Ngày 29-9, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) và trưng bày SGK Việt Nam và các nước. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các tổ chức xuất bản, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trên cả nước.
Hội thảo và trưng bày SGK GDPT được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành SGK; so sánh và đánh giá cụ thể sự khác biệt giữa việc biên soạn, thẩm định, xuất bản và phát hành SGK trước đây với việc thực hiện theo chủ trương xã hội hóa hiện nay. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp trong những năm tiếp theo.
Hoạt động trưng bày bao gồm: Trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển SGK GDPT Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1957, 1981, 2002, 2020; trưng bày và giới thiệu SGK của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh... Bên cạnh đó, một số sách được giải thưởng quốc gia và SGK điện tử thuộc các bộ sách hiện hành cũng được trưng bày, giới thiệu.
Bên cạnh việc giới thiệu cho người xem những bộ SGK của Việt Nam và thế giới, hoạt động trưng bày còn cung cấp các thông tin so sánh về quy cách của SGK Việt Nam và SGK của các nước theo một số tiêu chí cụ thể; cùng với đó là giới thiệu các hoạt động thực hành với SGK được một số nước trên thế giới thực hiện.
Hội thảo về SGK GDPT diễn ra cùng ngày nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn, sử dụng SGK GDPT. Từ đó, đưa ra các đề xuất, những định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng biên soạn, xuất bản, sử dụng SGK GDPT.
Bộ GD-ĐT đánh giá, chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức, cùng đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia biên soạn SGK. Quá trình tổ chức biên soạn, xây dựng bản mẫu, tiến hành thực nghiệm, nghiệm thu, lựa chọn sử dụng được thẩm định và kiểm soát chặt chẽ.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK theo yêu cầu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, đến nay, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt SGK sử dụng trong các cơ sở GDPT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định và SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 của các tổ chức, cá nhân đang biên soạn. Đến thời điểm hiện tại đã khẳng định thành công của chủ trương xã hội hoá biên soạn SGK.
Chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn SGK, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn SGK. Cụ thể, có 6 nhà xuất bản (NXB) tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp. Thu hút đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn SGK đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở GDPT tham gia. Trong đó có nhiều tác giả là tổng chủ biên, chủ biên và thành viên biên soạn chương trình GDPT 2018 tham gia biên soạn. Tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ tiến sĩ trở lên.
Về việc lựa chọn, cung ứng SGK, Bộ GD-ĐT cho rằng, qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương về việc lựa chọn SGK cho thấy còn tồn tại những hạn chế như thời gian ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn chậm, muộn so với quy định. Việc thông báo nhu cầu số lượng SGK theo các môn học của các địa phương chậm muộn, dẫn đến bị động cho các NXB trong việc cung ứng SGK trước thềm năm học mới.
Về các giải pháp tiếp theo, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK.
Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK, đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án. Khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK.
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền. Tăng cường việc tiếp nhận ý kiến đề xuất lựa chọn SGK từ các cơ sở GDPT của hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường trang bị SGK, sách tham khảo cho các thư viện trường học, đảm bảo giáo viên, học sinh có đủ SGK, tài liệu để tham khảo trong quá trình dạy học; huy động tận dụng, tái sử dụng SGK đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.