Sau khi ban hành chương trình môn học, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) trên tinh thần công khai, minh bạch. Song song đó tiếp tục thực hiện công tác thẩm định bộ SGK do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, cũng như các bộ SGK do các tập thể, cá nhân tổ chức biên soạn. Thẩm định xong, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Từ đó phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, sau khi có các bộ SGK, Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ thẩm định. Thẩm định xong sẽ hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng các bộ sách. Như vậy, sau khi có chương trình môn học GDPT mới, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ có lộ trình áp dụng chương trình GDPT phù hợp nhất, nhằm đảm bảo chất lượng, tính khả thi, đảm bảo được thời hạn mà Quốc hội đã cho phép.
Về bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, cho biết, Nghị quyết Quốc hội giao cho Bộ GD-ĐT thực hiện biên soạn một bộ SGK nhằm chủ động cho việc triển khai chương trình GDPT mới.
“Nếu chúng ta giao cho các tổ chức, cá nhân viết SGK thì đến lúc triển khai chương trình không lấy gì đảm bảo đủ SGK cho tất cả học sinh. Vì vậy, cần phải có một bộ SGK do Nhà nước chủ động biên soạn. Không phải là lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các cục, vụ của Bộ GD-ĐT đứng ra viết SGK mà Bộ GD-ĐT chỉ tuyển chọn các tổ chức, cá nhân và giao nhiệm vụ viết SGK cho họ, làm sao đảm bảo đủ SGK khi triển khai chương trình”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.