Tuy nhiên, tại hội nghị, một số ý kiến tiếp tục đề nghị xem xét lại việc có cần thiết tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không? TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT đề xuất, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thi cử cũng sẽ phải thay đổi, làm sao để bảo đảm chúng ta không mất quá nhiều công sức cho việc thi cử.
“Có cần thi cho tất cả các thí sinh không khi mà năm nào cũng trên 90% đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, ở các địa phương, chỉ nên tổ chức thi cho khoảng 30% học sinh có học lực yếu, còn lại 70% học sinh được đặc cách xét tốt nghiệp. Kết quả thi 30% đó cũng đã đủ số liệu để đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương. Khi có em thi, em không phải thi sẽ là áp lực để xã hội giám sát việc dạy và học, việc thi. Cùng với đó, vì 70% học sinh không có điểm thi nên bắt buộc các trường ĐH phải tự chủ khâu tuyển sinh”, TS Lê Trường Tùng nói.
Một lần nữa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi THPT quốc gia là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học phổ thông. Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ xét tuyển ĐH-CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện. Từ đó, yếu và thiếu ở khâu nào, ở địa phương nào thì bộ sẽ có chính sách phù hợp”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. Do đó, theo Bộ trưởng, bộ tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhưng vai trò của kỳ thì này cần phải khẳng định.
Cần sớm công bố phương án thi sau năm 2020
GS-TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GĐ-ĐT cho rằng, Bộ GD-ĐT đã công bố phương thức tuyển sinh sẽ ổn định trong 3 năm, tức là đến năm 2020.
“Nhưng đến năm 2021 thì như thế nào, có áp dụng phương thức thi và tuyển sinh như hiện nay hay sẽ thay đổi? Thay đổi phương án tuyển sinh là không hề đơn giản, từ bây giờ đã phải chuẩn bị và phải sớm công bố cho xã hội, người học và các trường ĐH được biết từ cấu trúc đề thi, cách thức tổ chức… để có sự chuẩn bị, tránh sự bị động cho người học và các trường" - GS Bùi Văn Ga phát biểu.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, phương thức thi và tuyển sinh này đã được Bộ GD-ĐT duy trì trong 3 năm, hầu hết các trường ĐH-CĐ đều thấy rất ổn, Cục quản lý chất lượng cũng đánh giá đang ổn và đề nghị duy trì. Bộ GD-ĐT cũng đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về cơ chế đổi mới thi tuyển sinh đại học để tính đến phương án thi và tuyển sinh trong những năm sắp tới. Dự kiến, cuối năm nay sẽ nghiệm thu và báo cáo kết quả đề tài.
“Trong những năm qua, Vụ Giáo dục đại học cũng lưu ý các trường tuyển sinh nhiều phương thức phải có sự so sánh để đánh giá các phương thức có tương đồng với nhau không, kết quả đào tạo, cơ hội việc làm của mỗi phương thức tuyển sinh như thế nào. Bộ sẽ sớm công bố phương thức thi và tuyển sinh sau năm 2021 để xã hội, người học và các trường có sự chủ động trong việc chuẩn bị” - TS Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: phương thức thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020. Hiện Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình đổi mới thi cho những năm tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cũng nhấn mạnh, công tác tuyển sinh của các trường đại học đã thực hiện ổn định nhiều năm qua. Việc các trường được tự chủ phương thức xét tuyển, các giải pháp kỹ thuật, lọc ảo, nhóm xét tuyển Bắc-Nam… đã tạo ra một kỳ xét tuyển đại học nhẹ nhàng, công bằng, khách quan.
TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đề nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố “điểm sàn” xét tuyển vào các trường đào tạo ngành sư phạm và sức khỏe để các trường có thể tiếp nhận những thí sinh có điểm thi cao. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho biết, ngày 22-7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng xét tuyển ngành sư phạm, sức khỏe. Ngày 9-8, các trường công bố kết quả xét tuyển đợt 1; ngày 19-8, cập nhật danh sách nhập học. |