Ngày 17-11, Bộ GD-ĐT đã ban hành 2 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh.
Theo đó, Bộ GD-ĐT ban hành quyết định số 3730/QĐ-BGDĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) và IELTS Australia Pty Ltd (Australia).
Cùng với đó là quyết định số 3731/QĐ-BGDĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Linguaskill giữa Công ty Cổ phần nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm công nghệ REAP và Tổng hiệu trưởng, Thạc sĩ và Học giả của Đại học Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà Xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge.
Trước đó, ngày 11-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển giáo dục thời đại và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh). Đây là chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh đã được cấp phép liên kết tổ chức thi sau khi thực hiện Thông tư số 11/2022/TT-BGD&ĐT ngày 26-7-2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Như vậy, hiện người dân vẫn đang chờ đợi Bộ GD-ĐT ban hành quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS của Hội đồng Anh.
Tại Việt Nam, tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS hiện được thực hiện bởi Hội đồng Anh và IDP.
Trước đó, nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BGD&ĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Triển khai thông tư, Bộ GD-ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ ưu tiên, tập trung phê duyệt hồ sơ về đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam nhằm bảo đảm quyền lợi người học.