Như tin đã đưa, Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” của Bộ GD-ĐT có kinh phí gần 750 tỷ đồng.
Bộ GD-ĐT thừa nhận con số này là khái toán cho 3 năm từ 2018-2020; Bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ.
Nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. Do vậy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thu hồi Đề án để tiếp tục hoàn thiện.
Dù Bộ GD-ĐT thu hồi đề án và giải thích như vậy nhưng dư luận vẫn chưa thấy thuyết phục, vì vấn đề là đề án đổi mới thi trong giai đoạn 2018-2020 trong khi Bộ GD-ĐT đã nhiều lần tuyên bố sẽ ổn định thi cử từ nay đến năm 2020. Từ 2021 trở đi mới tiếp tục đổi mới thi để thích ứng với chương trình, sách giáo khoa mới.
Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, PV Báo SGGP trao đổi với ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
* Ông PHẠM TẤT THẮNG: Chúng ta hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã kịp thời thu hồi, xem xét lại Đề án này. Đây là cách làm cầu thị, khi có phản hồi đã xử lý kịp thời.
Nhưng cần thấy rõ, đây là đề án mà khi mà công bố thì dư luận cũng như báo chí có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó băn khoăn nhất là kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH-CĐ đang ổn định và Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ duy trì ổn định đến năm 2020, sau 2021 mới tiếp tục thay đổi khi có chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Vậy trong lúc duy trì ổn định để chờ mốc sau 2020 thì việc có một đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020 có phù hợp không?
Mặc dù trong lý giải của Bộ GD-ĐT thì cho rằng đề án nhằm đảm bảo sự ổn định và làm cơ sở để tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ từ năm 2021 trở đi nhưng có thể thấy chưa thực sự hợp lý.
Đề án mang yếu tố kỹ thuật rất nhiều: xây dựng bộ đề thi, hệ thống ngân hàng câu hỏi, trang bị một số phần mềm, trang thiết bị CNTT để chuẩn bị tổ chức thi cho học sinh bằng phương thức trắc nghiệm trên máy tính.
Với sự chuẩn những yếu tố kỹ thuật như vậy mà đầu tư một số tiền lớn như vậy thì cũng cần phải xem xét. Bởi nếu khi chúng ta áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, nếu hệ thống kiến thức có sai khác so với những kiến thức đang được áp dụng của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, phương thức thi kiểm tra đánh giá cũng thay đổi... thì có thể những sự chuẩn bị đó sẽ không bảo lưu được nhiều so với giai đoạn sau. Tôi cho rằng nếu trong quá trình xem xét lại đề án, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc đến những yếu tố này.
* Chính vì lẽ đó nhiều ý kiến cho rằng đề án có sự lãng phí?
* Đó chính là con số 750 tỷ đồng mà dư luận quan tâm và nó liên quan đến hiệu quả sử dụng. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT thì đề án sẽ dùng trong 3 năm, sau đó bắt nhập vào chương trình, sách giáo khoa mới. Nhưng như tôi đã nói, có thể nhiều nội dung trong đó không được bảo lưu tiếp tục và nếu chỉ dùng trong 3 năm thì sẽ tốn nhiều công sức của cơ quan quản lý, các chuyên gia cũng như tiền bạc của Nhà nước.
Thời gian để xây dựng bộ đề thi, lượng câu hỏi lớn như vậy cần phải có thời gian, nên nếu xây dựng xong mà không dùng bao nhiêu thời gian đã thay đổi thì dễ lãng phí, đòi hồi phải có sự cân nhắc. Ngoài việc tốn kém về mặt kinh phí thì sẽ tốn kém công sức của cơ quan quản lý, các chuyên gia và hiệu quả sử dụng không lâu dài.
* Tôi cho rằng đó là cái mà cơ quan quản lý cần rút kinh nghiệm trong việc ban hành một đề án có tác động đến xã hội. Đặc biệt, GD-ĐT là lĩnh vực dư luận rất quan tâm, do đó những thay đổi về mặt chính sách, những công bố thông tin của Bộ GD-ĐT cần cẩn trọng.
Những chính sách, đề án khi công bố phải được soạn thảo, chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng và chất lượng tốt để khi ban hành được dư luận ủng hộ. Cần hết sức tránh tình trạng đề án vừa công bố chưa áp dụng đã phải thu hồi, nhất là lý do thu hồi lại là về mặt kỹ thuật: số liệu không khớp, tổng hợp từ nhiều nguồn. Bộ GD-ĐT phải hết sức rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Đề án, ban hành chính sách.
Nhìn lại phản ứng của xã hội đối với các đề án của Bộ GD-ĐT, có thể thấy một số đề án của Bộ chưa được chuẩn bị chu đáo, còn mâu thuẫn về mặt số liệu, không khả thi về mặt nguồn lực.. vì thế phải giải trình, điều chỉnh, thậm chí thu hồi.
Đó chính là bài học không chỉ riêng Bộ GD-ĐT mà bất cứ bộ ngành nào, khi công bố chương trình, đề án phải có tính khả thi, khả thi về mặt nguồn lực thực hiện (trong đó có nguồn lực tài chính phù hợp với điều kiện của chúng ta), khả thi về mặt con người, về mặt xã hội (phù hợp với điều kiện hoàn cảnh) để dư luận xã hội đón nhận. Cần phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và những đề án, chính sách đó phải có tính khả thi.