Tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định, việc triển khai dạy học trực tuyến đã được thực hiện tại các nhà trường, địa phương. Ban đầu cũng có những khó khăn nhất định, những lúng túng ban đầu, nhưng sau đó dần dần thầy và trò thích nghi, đến nay năng lực công nghệ thông tin của thầy cô, học sinh tăng lên vượt bậc.
“Thời gian qua, ngoài văn bản hướng dẫn, Bộ GD-ĐT cũng đã biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tăng cường năng lực dạy học trực tuyến cho các thầy cô, triển khai tập huấn cho giáo viên cốt cán và bộ tài liệu đã được gửi đến các nhà trường, thầy cô để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến”, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, trong tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn giảm thời gian giảng trên lớp học trực tuyến, cố gắng để học sinh lên lớp không phải chỉ ngồi nghe cô giảng như trên lớp học trực tiếp. Bộ cũng đã hướng dẫn thầy cô sản xuất video clip hỗ trợ học trực tuyến.
“Các video không cần tốn kém, dài khoảng 5-10 phút, thầy cô gửi học sinh nghiệm thu với những câu lệnh rõ ràng. Như vậy, học sinh không phải ngồi trước màn hình để nghe cô giảng mà có thể chủ động nghe trước thì khi lên lớp học trực tuyến giảm thiểu được thời gian ngồi nghe cô giảng bài. 1 tiết học 45 phút có thể rút xuống 30 phút. Học sinh trả bài cho cô trước khi vào lớp học trực tuyến, giáo viên gọi từng em, từng nhóm trình bày, học sinh nhận xét và giáo viên kết luận. Như vậy, tiết học trực tuyến có nhiều sự tương tác. Những điều này trong văn bản hướng dẫn đã có. Mong các thầy cô nghiên cứu ký, xây dựng kịch bản dạy học trực tuyến phù hợp hơn”, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Về việc kiểm tra đánh giá để không gây áp lực cho học sinh, đặc biệt là với những cấp học đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như lớp 1, lớp 2, lớp 6, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 22 về nội dung này. Trong đó quy định việc triển khai, đánh giá là thường xuyên, theo tinh thần kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của người học. Việc kiểm tra thường xuyên được thầy cô đánh giá ngay trong quá trình dạy học. Có thể kiểm tra đánh giá nhiều lần, sau đó lựa chọn một số kết quả. Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên gồm nhiều hình thức: hỏi đáp, viết, đánh giá qua sản phẩm học tập, qua bài thực hành, bài thí nghiệm…
Còn với việc kiểm tra đánh giá định kỳ, Bộ GD-ĐT cũng đã rút rất nhiều bài so với trước đây (hiện chỉ còn 4 bài kiểm tra đánh giá định kỳ). Việc kiểm tra định kỳ có thể trên giấy hoặc trên máy tính, có thể qua bài thực hành hoặc dự án học tập để các thầy cô, nhà trường lựa chọn hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ phù hợp với nội dung đánh giá của các môn học. Hiệu trưởng nhà trường quyết định hình thức kiểm tra đánh giá trong trường hợp bất khả kháng không thể đến trường.
Như vậy, Bộ GD-ĐT đã cho phép các nhà trường quyết định cách thức thi học kỳ đảm bảo công bằng, minh bạch, rõ ràng, đặc biệt đánh giá đúng năng lực học sinh.
“Nhiều người lo thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến sẽ có gian lận. Điều này tôi đã nói với thầy cô, đồng thời kêu gọi cha mẹ nhiều lần, kiểm tra chỉ là nhất thời. Bản thân bố mẹ cần nghiêm khắc để kiểm tra con đạt được năng lực đến đâu chứ không phải phó mặc cho nhà trường. Nếu chỉ vì điểm 9 điểm 10 so với cả cuộc đời, sự trung thực có đáng không”, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Việc kiểm tra trực tuyến cũng có những biện pháp giám sát qua camera, theo dõi, coi thi như bình thường, không phải phó mặc cho các em. “Bộ GD-ĐT không thể nào đưa ra quy định chung áp dụng cho hàng triệu giáo viên, học sinh. Chúng tôi mong các nhà trường sẽ thực hiện tốt việc dạy học cũng như việc kiểm tra đánh giá trực tuyến ”, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học nêu.