Ngày 31-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; thống nhất phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.
Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu đã ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ.
Báo cáo Bộ GD-ĐT cho hay, năm học 2019-2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung, ngành giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngành giáo dục thống kê 6 kết quả nổi bật. Trong đó, nổi bật nhất là hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020.
Đến thời điểm này, sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh. Trong "nguy" có "cơ", các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 mới có 32/63 tỉnh/thành phố); duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.
Là nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, giao thông cách trở; vì thế, việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề quan trọng để các em bước vào các bậc học tiếp theo.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thành công này phần lớn nhờ vào chính sách đầu tư mục tiêu cho giáo dục mầm non của Chính phủ Việt Nam.
Năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định.
Bộ GD-ĐT đã phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn, đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm cởi trói cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường.
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện. Áp lực thành tích đã giảm đi.
Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.
Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, với kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể, qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến .
Song song đó, tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Lần đầu tiên, nước ta có 4 cơ sở giáo dục đại học lần lượt lọt vào tốp 1.000 thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.
Tuy vậy, bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, như tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo.
Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được chú trọng đúng mức. Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập, việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chưa tốt, còn gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số.
Năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không được để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.
Sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các nhà trường.
Các địa phương thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo đúng các quy định của nhà nước; chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo từng môn học, cấp học để khắc phục cho được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, đồng thời phải đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tạo chuyển biến rõ rệt trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Khắc phục tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở một số địa phương gây bức xúc xã hội thời gian qua.
Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học. Các bộ, cơ quan chủ quản sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tập trung kiện toàn Hội đồng trường bảo đảm là một thiết chế thực quyền, hiệu lực, hiệu quả. Khuyến khích phát triển các ngành, các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, kinh tế số.
Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì xây dựng và triển khai Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung xây dựng một số đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới, làm đầu tàu để dẫn dắt hệ thống, đồng thời cương quyết đóng cửa các trường đại học không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không tuyển sinh được trong thời gian dài.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động tư vấn du học. Xem xét dừng tuyển sinh các chương trình, các ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019-2020 là một năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. Chính vì vậy, thời gian tổ chức hội nghị toàn ngành được tổ chức muộn hơn so với các năm trước.
Bộ GD-ĐT kêu gọi hỗ trợ học sinh miền Trung bị ảnh hưởng bão, lũ Bộ GD-ĐT vừa có có công văn gửi các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Unicef, Save the Children, Plan International.. và các tổ chức, đơn vị, cá nhân để kêu gọi hỗ trợ học sinh miền Trung bị ảnh hưởng bão, lũ. Nhiều ngày qua, hầu hết các cơ sở giáo dục từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đều bị ngập nước. Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT, tổng hợp từ các địa phương, tính đến ngày 29-10, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 20.000 học sinh bị ảnh hưởng vì mưa bão, 2 học sinh bị đuối nước. Thiệt hại về cơ sở vật chất trường lớp học ước tính khoảng 26 tỷ đồng. Thiệt hại sách vở, dụng cụ học tập thiết bị dạy học bị hư hỏng ước tính 3,1 tỷ đồng. Tại Quảng Bình, hầu hết các trường trong toàn tỉnh Quảng Bình đều ảnh hưởng do đợt lũ lụt gây ra; 100% học sinh phải nghỉ học; 3 học sinh bị đuối nước. Theo ước tính ban đầu, toàn ngành giáo dục Quảng Bình thiệt hại trên 382,8 tỷ đồng. Tại Quảng Trị, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị có 5 người bị thiệt mạng, trong đó 1 học sinh bị đuối nước, 3 học sinh bị vùi lấp, 1 cán bộ quản lý. Ngoài ra có 2 giáo viên mầm non có chồng hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu dân. Toàn tỉnh ước tính tổng thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Các đại biểu ủng hộ học sinh miền Trung Với giáo dục tỉnh Thừa Thiên – Huế, thiệt hại tài sản ước tính 70,2 tỷ đồng. Nhiều thiết bị dạy học bị hỏng. 26.051 học sinh bị ướt sách vở, đồ dùng học tập, thiệt hại ước tính 8,8 tỷ đồng. Tại tỉnh Quảng Nam, 3 học sinh bị đuối nước, nhiều trường bị ngập, đổ tường, tốc mái, sạt lở đất; tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 36,5 tỷ đồng. Với TP Đà Nẵng, nhiều cơ sở giáo dục bị ngập, đặc biệt sau cơn bão số 9 có 50 phòng học và 1 nhà đa năng bị hư hỏng, nhiều cổng trường, tường rào bị đổ, nhà để xe bị tốc mái (chưa đánh giá tỷ lệ hư hỏng để ước tính thành tiền). Ở tỉnh Bình Định, cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, toàn bộ học sinh phải nghỉ học, nhiều trường học bị tốc mái. Thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 8,65 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi có 19 trường THPT bị tốc mái, sập đổ nhà để xe học sinh, đổ tường rào... do bão số 9. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi toàn ngành ủng hộ giáo viên, học sinh các tỉnh miền Trung. Bộ GD-ĐT đã cử các đoàn công tác về vùng lũ để trực tiếp chia sẻ, động viên thầy và trò. Toàn ngành đã có nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ, san sẻ khó khăn với ngành giáo dục các tỉnh miền Trung. Tới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục về thăm, động viên học sinh, giáo viên và những gia đình có học sinh, giáo viên bị nạn ở các tỉnh còn lại. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT hỗ trợ bằng tiền mặt từ Quỹ phòng, chống lụt bão của bộ cho học sinh, giáo viên bị tử vong, mất tích, bị thương, giáo viên có người thân bị nạn. Bộ cũng đã thành lập Tổ vận động, tiếp nhận và phân phối hỗ trợ ngành giáo dục các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Tại hội nghị tổng kết năm học ngày 31-10, Bộ GD-ĐT cũng tổ chức quyên góp và kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ cùng ngành giáo dục miền Trung vượt qua khó khăn. Trước mắt, các nguồn ủng hộ sẽ tập trung ưu tiên tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ, cố gắng đảm bảo tất cả học sinh có sách, vở đến trường. Các nguồn ủng hộ cũng sẽ được sử dụng để khắc phục một phần khó khăn, thiếu thốn về bàn ghế, thiết bị, đồ dùng học tập. |