Tại buổi họp báo, báo chí chất vấn tại sao không nhập thịt heo như chỉ đạo của Thủ tướng, khiến cho giá thịt heo bị đẩy lên qua cao, có hay không sự khuất tất và lợi ích nhóm trong vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá thịt theo là theo cơ chế thị trường, quan hệ cung – cầu. Vừa qua giá thịt heo tăng cao, ảnh hưởng đến CPI và cân đối của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là trong mùa dịch. Thói quen tiêu dùng thịt heo của người dân rất cao, dù giá gia cầm giảm nhưng thịt heo vẫn được sử dụng nhiều. Giá thịt heo tăng do thịt heo thiếu (do dịch tả heo châu Phi), việc tái đàn chưa hiệu quả, nhiều người nuôi vẫn chưa sẵn sàng nuôi lại, con giống đắt. Đàn heo 2019 so với 2018 giảm 21%, ở nhiều địa phương giảm tới 50%. Một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần thịt heo, 65% còn lại do các hộ nhỏ lẻ cung cấp nhưng hiện nay việc nuôi của các hộ vẫn gặp khó khăn. Để tăng nguồn cung thì phải tái đàn, điều này cần thời gian, phải đến cuối 2020 thì đàn heo mới quay lại như trước khi có dịch tả heo châu Phi.
Giải pháp nữa là nhập khẩu thịt heo, nhưng đến hết tháng 4 thì mới nhập 45.000 tấn so với con số 100.000 tấn mà Chính phủ giao. Thủ tướng đã yêu cầu tập trung tái đàn, tăng cường nhập khẩu thịt heo. Các doanh nghiệp nhập chỉ cần lo giấy phép về vệ sinh an toàn thực phẩm ở chi cục thú y, sau đó qua khai báo hải quan, ngoài ra không phải thêm bất cứ thủ tục nào. Với các giải pháp đồng bộ thì hy vọng đến cuối năm 2020 giá thịt heo sẽ được bình ổn trở lại.
Bộ Công thương cũng đã kiểm tra 20 doanh nghiệp có thị phần thịt heo lớn, không phát hiện vi phạm về cạnh tranh, các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn. Bộ Công thương và các bộ ngành chức năng cũng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để bảo đảm thị trường thịt heo sớm trở lại bình thường.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết thêm, các doanh nghiệp không dám nhập nhiều thịt heo vì người Việt Nam không có thói quen dùng thịt heo nhập khẩu, đó là điều khó trong vấn đề nhập thịt heo, vì phải gắn với thị trường.
Vừa qua, nhiều địa phương đồng loạt cho học sinh đi học trở lại sau dịch. Nhưng việc các trường cho học sinh đeo khẩu trang, nón che giọt bắn, không bật điều hòa trong lớp học khi thời tiết đang rất nóng… khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em mình. Đặc biệt, một số bác sĩ khuyến cáo việc học sinh đội mũ có tấm chắn là không cần thiết, có thể khiến học sinh mỏi mắt, bị cận thị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra phương án thi THPT, không còn thi THPT quốc gia nhưng lại đưa ra các ràng buộc khiến các trường đại học khó tổ chức kỳ thi xét tuyển riêng?
Trả lời điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường đại học. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT một cách nhẹ nhàng hơn, giảm độ khó nhưng vẫn phân hóa tốt để các trường đại học có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. Còn sử dụng đến đâu là quyền của các trường.
Về việc học sinh đi học trở lại, đến nay cả 63 tỉnh thành đã cho học sinh đi học trở lại với tỷ lệ rất cao, 97-99% THCS và THPT đi học trở lại. Bộ GD-ĐT quan điểm, đã đi học thì phải an toàn, căn cứ trên khuyến cáo của ngành y tế. Bộ GD-ĐT ban hành các hướng dẫn về an toàn trường học theo khuyến cáo của ngành tế: giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn lớp học, không chào cờ, sinh hoạt tập thể. “Không có khuyến cáo nào về việc đeo mũ chắn giọt bắn, đó là sáng tạo của các địa phương. Nhưng nếu ngành y tế không khuyến cáo thì các địa phương không nên làm”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Báo chí đề nghị Bộ Công an thông tin thêm về sai phạm xảy ra tại CDC Hà Nội trong việc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19. Cụ thể, đơn vị này đã mua bao nhiêu máy xét nghiệm, hưởng số tiền chênh lệch là bao nhiêu? Sau sự việc này, hàng loạt tỉnh bắt đầu công bố giảm giá máy xét nghiệm, cho thấy dấu hiệu bất bình thường. Ngoài Hà Nội, Bộ Công an có kế hoạch mở rộng điều tra ra các địa phương khác trong việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 hay không?
Về kết quả điều tra về mua sắm thiết bị y tế chống dịch ở trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, ngày 22-4, Bộ Công an đã khởi tố vụ án. Kết quả điều tra bước đầu xác định các đối tượng cấu kết với các công ty để nâng khống giá trị các thiết bị y tế phòng chống Covid-19 lên 3 lần, hiện các đối tượng đã nộp lại số khai khống. Qua nắm tình hình ở một số địa phương cũng có hiện tượng này. Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế yêu cầu các địa phương thanh tra, rà soát. Sau khi thanh tra, rà soát mà có vi phạm thì Bộ Công an sẽ tiếp nhận để điều tra.
Về vụ án Đường Nhuệ (Thái Bình), dư luận cho rằng có hiện tương bảo kê tương tự vụ Năm Cam. Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho hay, từ năm 2010 đến nay, công an Thái Bình đã xử lý 20 vụ, 15 đối tượng, nhiều đối tượng liên quan đến Đường Nhuệ. Nhưng đối tượng Đường Nhuệ này hoạt động rất tinh vi, không ra mặt ở các vụ đã xử, các cơ quan chức năng khó khăn trong thu nhập chứng cứ. Đây là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, dưới danh nghĩa doanh nghiệp, núp bóng các hoạt động thiện nguyện, hoạt động gian xảo, tinh vi, vì thế việc thu nhập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn. Ngành công an phải vận động nhân dân tố giác để đủ tài liệu, chứng cứ khởi tố vụ án. Việc có hoạt động bảo kê hay không ngành công an vẫn đang điều tra theo tinh thần có vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không để bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm, không chịu tác động của bất cứ ai, cũng không làm oan sai. “Bộ Công an đã chỉ đạo công an Thái Bình mở rộng phạm vi điều tra để bảo đảm không bỏ lọt tội phạm. Hiện chuyên án nay vẫn đang được mở rộng điều tra ở các vụ khác nhau, khi thu thập đủ căn cứ sẽ tiến hành phục hồi điều tra các vụ mà dư luận quan tâm”, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh.