Bộ GD-ĐT đã dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp của xã hội.
Bộ GD-ĐT cho hay, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 sẽ hết hiệu lực từ năm học 2021 - 2022. Do vậy, phải có nghị định mới thay thế Nghị định số 86. Dự thảo lần 2 của nghị định được xây dựng trên cơ sở báo cáo tổng kết, đánh giá của 21/22 bộ, ngành và 61/63 địa phương.
Theo Bộ GD-ĐT, theo khung học phí giáo dục phổ thông quy định tại Nghị định số 86, ở một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì mức trần học phí mầm non, phổ thông vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng/học sinh được đánh giá là quá thấp. Chưa có khung học phí cho các trường đã thực hiện tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
Với khung học phí giáo dục đại học (GDĐH), mức trần học phí hiện hành chưa phù hợp với một số ngành, nghề đào tạo, ví dụ lĩnh vực khoa học sức khỏe, các chuyên ngành đào tạo đòi hỏi thời lượng đào tạo về thực hành lớn, cần nhiều chi phí thực hành. Mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp cũng còn thấp, mức cấp bù theo Nghị định số 86 không đủ để bù đắp chi phí đào tạo và chỉ chiếm khoảng 40% - 50% chi phí hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục, do vậy ngân sách nhà nước vẫn phải hỗ trợ phần lớn kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục, đào tạo…
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 như hiện nay (100.000 đồng/tháng/học sinh) chưa phù hợp do chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm đều tăng. Chính sách miễn giảm học phí quy định trong Nghị định 86 có giai đoạn thực hiện từ năm học 2015 - 2016 năm học 2020 - 2021, vì vậy các địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho giai đoạn tiếp theo từ năm học 2021 - 2022.
Từ thực tế đó, các bộ ngành, địa phương đề xuất mở rộng mức trần học phí đối với bậc mầm non, phổ thông để thực hiện chia sẻ chi phí đào tạo giữa nhà nước và người học, tiến tới thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 19 của Trung ương.
Quy định khung học phí phù hợp với loại hình đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư để khuyến khích các địa phương, địa bàn có khả năng xã hội hóa cao để chuyển một số cơ sở mầm non, phổ thông sang cơ chế tự chủ tài chính, đồng thời phải gắn với yêu cầu kiểm định chất lượng và trách nhiệm giải trình với xã hội.
Tiếp tục mở rộng trần học phí đối với giáo dục đại học, tiến tới tính đủ chi phí đào tạo, xây dựng trần học phí phù hợp với mức độ tự chủ tài chính gắn với tự chủ GDĐH. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho giai đoạn từ năm học 2021 - 2022 về sau.
Nguyên tắc xác định học phí là học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, bảo đảm lộ trình đến năm 2030 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao.
Bộ GD-ĐT đề xuất từ năm học 2021 - 2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021. Cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH trong nước được thu học phí tối đa 2,5 lần trần học phí.
Mức trần của khung học phí đối với mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí trên.
Bộ GD-ĐT lý giải đề xuất tăng học phí bậc mầm non, phổ thông được đưa ra căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm thì tổng cộng biến động của các chỉ số trên sẽ cao hơn 7,5%. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học, bộ đề xuất chỉ tăng 7,5%/năm với học phí mầm non, phổ thông.
Với lộ trình này, đến năm học 2025 - 2026, học phí bù đắp được 50% chi phí đào tạo. Đến năm 2030, học phí sẽ bù đắp đủ chi phí đào tạo (đối với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên).
Khung học phí năm học 2021 - 2022 được đề xuất cụ thể như sau: học sinh mầm non ở thành thị 300.000 - 540.000 đồng/học sinh/tháng, ở nông thôn là 100.000 - 220.000 đồng/học sinh/tháng; học sinh tiểu học ở thành thị là 300.000 - 540.000 đồng/học sinh/tháng, ở nông thôn 100.000 - 220.000 đồng/học sinh/tháng; THCS ở thành thị 300.000 - 650.000 đồng/tháng/học sinh, ở nông thôn là 100.000 - 270.000 đồng/học sinh/tháng; học sinh THPT ở thành thị là 300.000 - 650.000 đồng/học sinh/tháng, ở nông thôn là 200.000 - 330.000 đồng/tháng/học sinh.
Học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi có mức học phí thấp hơn: mầm non, tiểu học là 50.000 - 110.000 đồng/tháng/học sinh; THCS 50.000 - 170.000 đồng/tháng/học sinh; THPT là 100.000 - 220.000 đồng/tháng/học sinh
Mức trần của khung học phí đối với mầm non, phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2 lần mức trần học phí. Mức trần của khung học phí đối với mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí.