Ngày 13-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 đã chủ trì phiên họp đầu tiên của hội đồng.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho biết việc kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai ở các cấp học trong chương trình GDPT được cải tiến theo từng giai đoạn trên cơ sở tiếp thu về khoa học đo lường đánh giá và kinh nghiệm triển khai đánh giá của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Hiện việc đánh giá được xem là nguồn cung cấp các chỉ số về học tập và tuân theo trình tự: người dạy thực hiện việc giảng dạy, kiểm tra kiến thức người học và tiến hành đánh giá kết quả của người học và dựa trên kết quả kiểm tra đó để làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo.
Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận này đang vấp phải thử thách rất lớn trước yêu cầu của xã hội khi mà sự thay đổi của khoa học đã cung cấp những vấn đề bản chất của việc đánh giá do không chỉ dừng lại việc thu thập và phân tích dữ liệu về kết quả học tập mà còn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cao hơn với mục đích cuối cùng là sự tiến bộ không ngừng của đối tượng người học.
Do đó, Bộ GD-ĐT đề xuất 7 giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá, trong đó xây dựng và ban hành quy định về chuẩn đánh giá theo Chương trình GDPT năm 2018; tăng cường đánh giá năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề, tình huống thực tiễn; đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Các hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Các thành viên hội đồng thống nhất cho rằng hoạt động kiểm tra, đánh giá trong GDPT đã có nhiều chuyển biến tích cực, có tiếp cận về kỹ thuật. Trong thời gian tới, công tác này cần tiếp tục đổi mới, mang tính liên tục dựa trên khung chuẩn năng lực thống nhất, liên thông đối với từng lứa tuổi, cấp học bằng cả kiến thức và kỹ năng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin…
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cần tạo không gian cho nhà trường, giáo viên sáng tạo hơn nữa về các biện pháp thực hiện; huy động sự tham gia nhiều hơn của các bên như phụ huynh, cộng đồng cùng với giáo viên và học sinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, các vấn đề về kiểm tra, đánh giá đối với bậc phổ thông luôn được xã hội, người dân quan tâm. Đối với GDPT, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá là cần thiết và phải kiên trì làm từng bước, phù hợp với điều kiện thực tế.
Trong nhiệm kỳ 2022-2026, hội đồng cần lần lượt đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT như: khung hệ thống giáo dục quốc dân; khung chương trình bảo đảm hội nhập phù hợp với khung chương trình của ASEAN, tiệm cận với quốc tế; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phương thức dạy và học; đánh giá, kiểm tra; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT và quản trị cơ sở giáo dục, nhất là quản trị trong trường phổ thông; nghiên cứu về khoa học giáo dục; thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương; hợp tác quốc tế… Phó Thủ tướng đề nghị mỗi phiên họp của hội đồng bàn sâu về từng chuyên đề.
Theo Phó Thủ tướng, đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, phải phù hợp với xu thế thế giới, tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của Việt Nam. Từng bước đi phải kiên trì; điều chỉnh tiến độ, cách làm nhưng kiên định xu thế, mục đích.
Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng chương trình làm việc cả nhiệm kỳ của hội đồng theo các nhóm vấn đề, có thể bổ sung, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, định hình những nét lớn, bảo đảm tính liên tục trong từng năm.