Công văn cũng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét việc cho học sinh, sinh viên (HSSV), học viên đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ học để phòng chống Covid-19. Đầu tuần tới, công văn này sẽ được gửi tới các địa phương.
Theo đó, Bộ GD-ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên như sau: Kết thúc năm học trước ngày 30-6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15-7; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15-8; thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23-7 đến ngày 26-7.
Căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn; xem xét, quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại từ ngày 2-3.
Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông quốc gia của cả nước.
Trước đó, sáng 22-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã họp xem xét thời gian cho HSSV đi học trở lại. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bô GD-ĐT cho biết, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã cùng các địa phương bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo và hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn. Đến nay, các nhà trường đã thực hiện việc vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; học sinh đã được hướng dẫn thực hiện quy trình phòng, chống dịch bệnh; giáo viên đã được tập huấn về các quy trình phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn học sinh thực hiện khi trở lại trường học.
Trước đó, hầu hết các địa phương cho học sinh nghỉ học hết tháng 2, riêng TPHCM đề xuất cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3. Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 họp xem xét thời gian cho HSSV đi học trở lại ngày 22-2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương, thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, nên dù là trung tâm lớn, tổng số người sinh sống, làm việc trên địa bàn lên tới gần 13 triệu người, đầu mối giao thông của vùng (cả về đường không, đường bộ, đường biển), người dân mọi miền đất nước dồn về, số người nhập cảnh cũng lớn… nhưng đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố chưa có ai dương tính với COVID-19 (trừ 3 trường hợp nhiễm bệnh từ nơi khác đến, đã được kịp thời cách ly, điều trị khỏi bệnh). Đối với việc bảo đảm an toàn các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn, thành phố đã tập huấn phòng chống dịch cho 100% giáo viên, người lao động (riêng khối học sinh, sinh viên, giáo viên thành phố quản lý là hơn 2 triệu người); tiến hành tiêu độc, khử trùng, vệ sinh trường lớp; chỉ đạo các nhà trường nắm chặt tình hình nhà giáo, học sinh có di chuyển đến vùng dịch để có biện pháp ứng phó phù hợp…
Đa số ý kiến tại cuộc họp thống nhất nên cho HSSV đi học trở lại từ ngày 2-3.