Ngày 5-10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo về triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh. Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện từ Vụ Giáo dục Mầm non, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Cục Cơ sở Vật chất và đại diện các Sở GDĐT.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, trước nhu cầu của xã hội về việc cho trẻ em mầm non làm quen với ngoại ngữ, ngày 18-3-2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Đến nay, việc triển khai tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Ở hầu hết các địa phương việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh được thực hiện tại các cơ sở GDMN. Dựa trên đăng ký của cha mẹ trẻ, các cơ sở GDMN liên kết với các trung tâm đã được sở GD-ĐT thẩm định tài liệu, học liệu phối hợp thực hiện. Nhận thức, nhu cầu của phụ huynh, đặc biệt là tại các thành phố lớn là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động này. Công tác cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh được sự ủng hộ rất lớn từ cha mẹ trẻ.
Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non được xây dựng dựa trên cơ sở: chương trình GDMN; các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh; các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh; phương pháp xây dựng chương trình tiếng Anh của thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; bối cảnh văn hóa xã hội, giáo dục và điều kiện kinh tế thực tế của Việt Nam; Sự đa dạng của đối tượng trẻ mẫu giáo về phương diện vùng miền, nhu cầu, điều kiện và khả năng làm quen với tiếng Anh.
Bộ GD-ĐT cho biết, chương trình được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp, đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó, liên thông giữa các độ tuổi, mang tính mở, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ.
Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD-ĐT hoan nghênh sự linh hoạt và cố gắng của các địa phương trong thực hiện chương trình với mục tiêu cao nhất là vì lợi ích cho trẻ. Nhấn mạnh việc thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non cần đảm bảo chất lượng, Thứ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm sâu sắc, phê duyệt kỹ các chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị; tập huấn đầy đủ cho đội ngũ giáo viên, thẩm định kỹ các giáo viên nước ngoài.
Các địa phương cũng cần chỉ đạo các cơ sở GDMN đẩy mạnh số hoá giáo trình, tài liệu để nâng cao hiệu quả các hoạt động dạy học trong trẻ mầm non. Phân cấp rõ trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn; phối hợp với chính quyền địa phương để có sự đồng hành, giám sát đảm bảo thực hiện chương trình hiệu quả, chất lượng.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non sẽ tiếp tục được triển khai tích cực trên cả nước để trẻ mầm non được tiếp cận với tiếng Anh sớm, tạo tiền đề để sau này học tập tốt hơn. Đặc biệt là để giúp các em phát triển ngôn ngữ, tự tin và hòa nhập tốt trong môi trường xã hội toàn cầu hóa.
Theo thống kê, việc triển khai tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh được phần lớn các tỉnh, thành tổ chức. Một số tỉnh thành phố có đông trẻ làm quen với tiếng Anh như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… |