Những ngày qua, sau khi dữ liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học được công bố, có nhiều ý kiến khác nhau về số lượng hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng. Để cung cấp thêm thông tin cho xã hội, ngày 24-8, Bộ GD-ĐT đã phân tích một số dữ liệu thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung là 642.270; năm 2021 số lượng là 794.739. Theo số liệu này, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020. Trong đó, bộ này lưu ý số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh ở năm 2021 có lý do quan trọng là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, học đại học ở nước ngoài cũng đã trở về Việt Nam để học tập.
Điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin.
Bộ GD-ĐT cũng đã phân tích trên cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống.
Theo đó, tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo 3 miền Bắc, Trung, Nam là tương đương, mỗi miền trên 30%, trong đó miền Bắc chiếm cao nhất với 38%. Tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các vùng trên cả nước thì ở vùng đồng bằng sông Hồng là cao nhất, 22%; thấp nhất là vùng Nam Trung bộ 10%.
Bộ cũng chỉ ra 20 địa phương có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nhiều nhất, trong đó Hà Nội đứng đầu với trên 22.000 em; 3 địa phương tiếp theo là Thanh Hóa, Nghệ An, TPHCM từ 14.000-16.000 em.
Về tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các khu vực ưu tiên thì khu vực 1 (khu vực miền núi) chiếm nhiều nhất với 35%; khu vực 2 (nông thôn) 33%; khu vực 3 (đô thị) chỉ có 10% thí sinh không đăng ký xét tuyển.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT thống kê điểm theo các tổ hợp xét tuyển chính của các thí sinh không đăng ký xét tuyển thì cho thấy, điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển đều hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT (tức là không có khả năng đỗ đại học-PV). Nhất là ở các khối A0, A1 và B0 thì các mức điểm đại đa số là rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp.
Riêng khối C0 điểm có khá hơn, tuy nhiên năm nay tổ hợp C0 có phổ điểm thí sinh đạt được rất cao trên cả nước, do vậy mức độ cạnh tranh xét tuyển sẽ cao hơn, điểm sàn mà các trường công bố cũng có xu hướng cao hơn.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy (Bộ GD-ĐT), nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường đại học đã công bố, thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý. Bởi hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện không đủ dung lượng để đào tạo cho trên 940.000 thí sinh nếu cùng đăng ký xét tuyển.
Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là gần 442.000 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên hơn 500.000 thí sinh. Năm 2022 này, con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn là những người muốn học đại học, có đủ năng lực để học.
Nhiều ý kiến lo ngại gần 1/3 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống là tỷ lệ ảo, nhưng Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học lại cho rằng, đó không phải là tỷ lệ ảo, mà mặt khác, giúp giảm số “thí sinh ảo” trong hệ thống khi triển khai công tác tuyển sinh.