Bộ GD-ĐT cung cấp dữ liệu điểm thi bao gồm: số báo danh và điểm của các môn thi, bài thi của thí sinh dự thi THPT quốc gia trên cả nước. Vì tính bảo mật, Bộ không cung cấp tên tuổi thí sinh, các cơ quan báo chí phải cam kết cung cấp miễn phí cho các thí sinh có nhu cầu tra cứu; Thí sinh tra cứu điểm trên các báo điện tử bằng cách nhập vào số báo danh và nhận được điểm của các môn thi, bài thi của số báo danh đó. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cơ quan báo chí cam kết chỉ sử dụng dữ liệu phục vụ việc thí sinh tra cứu điểm thi, không chia sẻ dữ liệu này cho bên thứ ba và sử dụng cho mục đích khác.
Ngoài tra cứu điểm thi trên các báo điện tử, thí sinh có thể vào website của các Sở GD-ĐT, hoặc cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để tra cứu điểm thi của mình. Từ 0h ngày 11-7, hàng loạt các tỉnh thành đã mở cổng tra cứu điểm thi cho các thí sinh ở web sở GD-ĐT.
Năm nay, theo ghi nhận ở một số địa phương, điểm thi có sự phân hóa rõ rệt. Các bài thi đạt điểm 10 đã xuất hiện nhưng không nhiều, điều này phù hợp với khẳng định trước đó của lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi năm 2018 sẽ có sự phân hóa cao, không có nhiều điểm tuyệt đối.
Đáng chú ý, tại một số địa phương đã công bố sơ bộ kết quả chấm thi như Đà Nẵng, Đồng Nai, TPHCM, điểm môn lịch sử rất thấp, đơn cử 87,24% điểm môn Lịch sử thi THPT quốc gia ở Đồng Nai dưới 5; gần 81% thí sinh TPHCM có điểm Lịch sử thi THPT quốc gia dưới 5; Đà Nẵng tỷ lệ bài thi Lịch sử có điểm 5 trở lên chỉ là 10,03%, phổ điểm từ 2 đến 4,75 điểm..
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả chấm thi THPT quốc gia 2018, các trường ĐH- CĐ sẽ căn cứ vào điểm thi để bắt đầu triển khai công tác tuyển sinh. Các thí sinh cũng căn cứ vào kết quả điểm thi để cân đối lại nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần bằng một trong hai phương thức trực tuyến hoặc nộp phiếu điều chỉnh. Phương thức trực tuyến áp dụng cho thí sinh có số nguyện vọng nhỏ hơn hoặc bằng số nguyện vọng ban đầu, trong thời gian từ ngày 19-7 đến 26-7.
Thí sinh tự thực hiện việc điều chỉnh và phải kiểm tra kỹ thông tin trước khi gửi đi. Sau khi gửi điều chỉnh thành công, thí sinh nên thoát ra đăng nhập lại hệ thống, kiểm tra thông tin đã điều chỉnh. Khi điều chỉnh, sử dụng số điện thoại đã đăng ký và mã OTP được cung cấp; đặc biệt cần lưu ý bảo quản tài khoản, mật khẩu thật cẩn thận. Với phương thức nộp phiếu điều chỉnh, thí sinh phải điền chính xác thông tin vào phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển; nộp phiếu tại nơi đăng ký dự thi.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay, từ ngày 13-7 đến ngày 15-7, cổng thông tin tuyển sinh sẽ mở để thí sinh thực hành điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến. Kết quả thực hành điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh trên cổng thông tin tuyển sinh sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc đợt chạy thử.