Bộ GD-ĐT: Có khoảng 50% học sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học

Ngày 29-8, tại giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã báo cáo về một số vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
Khoảng 50% học sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học
Khoảng 50% học sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học

Theo đó, về kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023 mà dư luận đang quan tâm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, năm 2023, toàn quốc có 1.002.100 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (năm 2022 tỷ lệ này là 61,34%).

Tuy các tỷ lệ này là thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực lực, năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo thống kê của tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em (bằng 107,9% so với số lượng năm 2022). Dự kiến tỷ lệ nhập học sẽ tương tự như năm 2022 là khoảng 500.000 em. Như vậy, sẽ có khoảng 50% học sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học.

Bộ GD-ĐT khẳng định, với quy trình tuyển sinh giữ ổn định như năm 2022 và các cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, số lượng thí sinh ảo đã giảm nhiều so với các năm trước 2022, tạo thuận lợi hơn cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh.

Về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu biên soạn nội dung một bộ SGK, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang dự thảo kết luận theo hướng giao “Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/0/113. Nghiên cứu, đề xuất chủ trương, cơ chế miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ SGK do nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả".

Bên cạnh đó, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ GD-ĐT khẩn trương có giải pháp đối với những ý kiến được nêu trong báo cáo của đoàn giám sát, trong đó, có việc chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ vào ý kiến của đoàn giám sát, Bộ GD-ĐT sẽ có những phân tích, đánh giá thực tế và đề xuất những giải pháp phù hợp để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục