Mệnh lệnh của trái tim
Tối 12-2, đoàn công tác QĐND Việt Nam, gồm 76 thành viên, 6 chó nghiệp vụ cùng 42 tấn hàng hóa, trang thiết bị lên đường làm nhiệm vụ. Sau 2 chặng bay với khoảng 8.600km và di chuyển đường bộ hơn 200km, tối 13-2, đoàn công tác đã đến huyện Antakya, tỉnh Hatay - nơi đóng quân và thực hiện nhiệm vụ.
Trước khi lên đường làm nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung úy Kiều Đức Toàn, Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh đã gác lại đám cưới sắp diễn ra. “Lúc đó còn nửa tháng là đến ngày cưới. Khi tôi thông báo nhận nhiệm vụ và đề nghị hoãn đến khi nào hoàn thành nhiệm vụ, ban đầu, gia đình hai bên và người yêu cũng có chút băn khoăn, nhưng thấy tôi rất quyết tâm và chỉ huy đơn vị cũng đến tận nhà thăm hỏi, động viên, nên gia đình và người yêu đã nhất trí ủng hộ”, Trung úy Kiều Đức Toàn cho biết. Hiện, nhiệm vụ của anh đã hoàn thành và đúng ngày đã định, gia đình hai bên sẽ gặp mặt làm lễ. Việc cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, về nước an toàn, cùng sự khen thưởng của các cấp là “món quà cưới” đầy ý nghĩa của anh dành cho người vợ và gia đình hai bên.
Nói về thực hiện nhiệm vụ tại thực địa, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu nạn cứu hộ (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Trưởng đoàn, cho biết, mặc dù đã chuẩn bị tâm thế, nhưng tất cả đều bàng hoàng trước quang cảnh đổ nát, tang thương. Chính vì vậy, ngay sau khi ổn định lực lượng và nơi đóng quân, tất cả đã bắt tay vào công tác tìm kiếm, cứu hộ… “Chính những ánh mắt và hành động cúi chào của người dân nơi đây đã giúp các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác vơi đi mệt mỏi, quên mọi khó khăn, gian khổ. Tất cả vào việc nhanh nhất với quyết tâm hoàn thành mục tiêu duy nhất là cứu người”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ kể lại. Khi đoàn công tác Việt Nam đến hiện trường đều được người dân Thổ Nhĩ Kỳ chào trân trọng bằng động tác đặt tay phải lên ngực trái. Các gia đình có thân nhân mắc kẹt trong đống đổ nát đều khẩn thiết mong mỏi đoàn Việt Nam giúp sớm xác định vị trí. Lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị đoàn công tác Việt Nam nhanh chóng tìm và xác định vị trí để làm cơ sở cho lực lượng cứu hộ sở tại sớm đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Không ai trong đoàn công tác quên được những ánh mắt buồn bã của người dân trên đường làm nhiệm vụ. Nhìn vào những đôi mắt ấy, những người lính cảm nhận được bao nỗi đau chất chứa bên trong.
Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Đội trưởng Đội chó nghiệp vụ, cho biết, đây là lần đầu tiên chó nghiệp vụ được đưa đi làm nhiệm vụ quốc tế; thời tiết lại rất khắc nghiệt, ban đêm nhiệt độ xuống âm 3-5oC. Được tin tưởng giao nhiệm vụ, vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, nên cả đoàn đều quyết tâm cao nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Dù đã tham gia nhiều cuộc cứu nạn cứu hộ nhưng ở Hatay, sự đổ nát trên diện rộng của các tòa nhà cao tầng, đường phố với rất nhiều nạn nhân còn mắc kẹt ở trong, những ánh mắt cầu cứu của người dân nơi đây… thực sự ám ảnh, gây xúc động mạnh mẽ”, Đại úy Nghĩa chia sẻ. Anh cho biết, không bao giờ quên được hình ảnh một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ cao tuổi, quỳ xuống bên đường, khóc và xin cứu giúp vì ngôi nhà của ông đã bị sụp đổ, trong đó có vợ, con trai, con dâu và cháu của ông. Trước tình cảnh đó, đoàn Việt Nam đã đến ngay hiện trường, sử dụng 6 chó nghiệp vụ, xác định được vị trí các thi thể, phối hợp cùng lực lượng nước bạn đưa được tất cả thi thể ra khỏi hiện trường.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, suốt chuyến công tác, tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đoàn luôn có ý chí quyết tâm không sợ gian khổ, hy sinh để làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, khẳng định truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. “Việc tìm được một thi thể nạn nhân cũng khiến chúng tôi mừng phát khóc, cảm giác như chính người thân của mình đang bị vùi lấp trong đống đổ nát”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ tâm sự.
Hình ảnh đẹp Việt Nam
Thiếu tá Lê Đức Tài, Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh, cho biết, ngay khi đến hiện trường, tận mắt chứng kiến sự hoang tàn, đổ nát, những ánh mắt không ngừng hy vọng, không ai còn cảm giác mệt mỏi của chuyến bay dài trước đó. Với mệnh lệnh trái tim, tất cả đều bắt tay ngay vào công việc. “Chúng tôi không thể nào quên hình ảnh của người dân và lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ đặt tay lên ngực trái mỗi khi đoàn chúng tôi và lực lượng cứu hộ quốc tế đi qua. Họ như muốn nói lời cảm ơn bằng tất cả trái tim của mình. Thời gian chuyến công tác không dài nhưng là kỷ niệm không quên”, Thiếu tá Lê Đức Tài nói.
Theo Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci, mặc dù đã có kinh nghiệm đối phó với động đất, nhưng quy mô và mức độ tàn phá nghiêm trọng của các trận động đất vừa qua đã vượt ngoài khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam chính là một trong những quốc gia đầu tiên cử lực lượng cứu nạn cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ, và đã làm việc với tinh thần dũng cảm, nỗ lực không mệt mỏi, đóng góp quên mình để hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ vùng bị thiên tai. Nghĩa cử cao đẹp này đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo toàn cầu. Điều này cũng đã phản ánh mối quan hệ hữu nghị song phương hết sức tốt đẹp mà Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm qua. “Tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam đã đóng góp to lớn cho những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ; cảm ơn các đội tham gia cứu nạn cứu hộ đã quên mình phục vụ và không ngại hiểm nguy tại đất nước chúng tôi; cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì tình đoàn kết, tương thân tương ái mà các bạn đã dành cho chúng tôi trong thời khắc vô cùng khó khăn vừa qua”, Đại sứ Haldun Tekneci bày tỏ.
Trong thời gian lực lượng QĐND Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cứu trợ, cứu nạn cứu hộ tại tỉnh Hatay, Thống đốc tỉnh và các cơ quan liên quan đều đến thăm, gặp gỡ, cảm ơn. Ngày 20-2, tại Hatay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ đoàn công tác và bày tỏ sự cảm ơn đất nước Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm đến giúp đỡ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất; đồng thời đánh giá cao kết quả hoạt động khắc phục hậu quả động đất của đoàn Việt Nam.
Từ ngày 13-2 đến 22-2, tại tỉnh Hatay, lực lượng QĐND Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều phối ứng phó khẩn cấp thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ và các đoàn cứu hộ quốc tế tổ chức triển khai tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 vị trí có người gặp nạn; bàn giao cho lực lượng cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ 28 thi thể nạn nhân để đưa ra khỏi hiện trường đổ nát; phối hợp với đội cứu nạn cứu hộ các nước Bahrain, Mexico tìm kiếm, xác định 3 vị trí có 10 nạn nhân thiệt mạng, bàn giao cho đơn vị cứu nạn địa phương. Đoàn cũng đã trực tiếp hỗ trợ 3 gia đình người dân địa phương thu dọn tài sản và chuyển nhà ở; sơ cứu và cấp thuốc cho 7 nhân viên cứu nạn cứu hộ của các nước bị tai nạn trong quá trình tác nghiệp. Trước khi về nước, đoàn đã trao tặng gần 25 tấn trang thiết bị, vật tư, lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực xảy ra động đất. Các thành viên trong đoàn đã tự nguyện quyên góp 4.000 USD để giúp đỡ người dân địa phương mua lương thực, thực phẩm.