Ngày thứ 10 sau cơn lũ quét, đường đi vào nghĩa trang Hoà Sơn nhiều chỗ vẫn còn bùn nước, đất đá vương vãi. Tại điểm sạt lở ở đường số 1, vô số tảng đá lớn, cây cối gãy đổ được một nhóm bộ đội khuân vác về tập kết thành đống. Khối lượng đất đá sạt lở rất lớn nhưng do phần mộ san sát nhau không thể dùng cơ giới nên toàn bộ đất đá vùi lấp mộ đều được bộ đội xúc và vác bằng vai, đẩy bằng xe rùa....
Đã qua trưa, những người lính vẫn miệt mài bới đất, vác đá. Bà Lê Thị Hoa (46 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quân Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, nhiều khu mộ của các gia đình, dòng tộc gần như bị vùi lấp trong đất đá, sức dân không kham nổi. Nhờ các chú bộ đội không quản nắng nôi, mưa gió, lật từ mảnh đá để tìm kiếm, đến nay gia đình đã tìm được 2/8 ngôi mộ.
“Phần mộ ba và chị hai tôi bị đất đá vùi lấp sâu hơn 2 mét, ngay cạnh con suối. Hôm qua, nhờ mấy chú bộ đội bới đào mới tìm ra. May có bộ đội giúp sức nếu không thì chẳng biết tìm đến bao giờ”, bà Hoa kể.
Nhặt nhạnh những viên gạch tại khu vực mộ vô danh, ông Trần Qụy (72 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) liên tục lau nước mắt kể, giờ ông lội bộ khắp nơi bị sạt lở để thắp hương. “Sạt lở nặng nề quá! Cháu tôi còn chưa có hình hài gì cả, bộ đội cũng khó tìm nên giờ chỉ cầu nguyện cho linh hồn siêu thoát”, ông Qụy nghẹn ngào.
Là người lính cũng là người con, người cháu, nhiều chiến sĩ hiểu được nỗi đau mất mát mà những gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ bị vùi lấp. Vì vậy, những ngày qua, họ tạm dừng huấn luyện thao trường, nỗ lực hết mình đồng hành giúp bà con tìm kiếm.
Theo thiếu tá Trần Minh Thảo, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 971 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng), đã giúp dân thì không ngại khó. Xe cơ giới không thể vào bên trong nghĩa trang nên phải bỏ đất đá vào bao tải rồi vác ra ngoài. Hầu hết mọi công đoạn phải làm thủ công nhưng những người lính cảm thấy nhẹ lòng khi giúp dân tìm lại được mộ phần.
Tại khu vực sạt lở 3, Thượng úy Phan Quốc Cường, Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315 (Bộ Tư lệnh Quân khu 5) kể, khi tới nghĩa trang Hòa Sơn, cảnh tượng ngổn ngang, đổ nát khiến họ nhớ lại một phần của trận sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) hồi tháng 10-2020. Tuy thiệt hại không nặng nề như năm đó nhưng mỗi nơi mỗi đau thương cùng với khó khăn, điều các chiến sĩ làm vẫn là tìm lại người thân của bà con. Số lượng ngôi mộ tìm ra càng nhiều, niềm vui của họ càng nhân đôi.
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý sự cố sạt lở tại Nghĩa trang Hòa Sơn, hiện có hơn 800 người thuộc Sư đoàn 315 (Quân khu 5), Trung đoàn 971 (Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức lực lượng, phương tiện, cơ động tiếp tục giúp dân khắc phục sạt lở tại Nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Với 610 ngôi mộ, Ban Nghĩa trang cắm biển cùng số điện thoại để người dân có mộ người thân bị vùi lấp liên hệ để nhận được sự hỗ trợ. Với những ngôi mộ vô danh, lực lượng chức năng tìm và bố trí, sắp xếp lại tại chỗ, nếu vị trí không đảm bảo sẽ đề xuất chuyển vị trí phù hợp.