Bộ đội biên phòng chủ trì đảm bảo an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 21-10, thảo luận về dự án Luật Biên phòng (sửa đổi), ĐBQH đồng tình quy định chức năng của bộ đội biên phòng (BĐBP) là “chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. 
 Toàn cảnh Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh theo Quochoi
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh theo Quochoi

Thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định, dự thảo Luật Biên phòng quy định “BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân” là cần thiết, thể hiện rõ tính chất đặc thù hoạt động của BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Quy định như vậy cũng phù hợp với cách thể hiện của Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát biển Việt Nam… Các vị ĐBQH cũng đồng tình quy định chức năng của BĐBP là “chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. ĐB Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho biết, tỉnh này có tới 280 km đường biên với 12 đồn biên phòng. Thực tế địa phương cho thấy tại khu vực biên giới, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ. “Quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Dự thảo Luật cũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng”, ông Nguyễn Ngọc Hải nhận định.

Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức hội thảo để tập hợp ý kiến về dự thảo Luật này, ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) ghi nhận những điểm bổ sung, chỉnh lý trong dự thảo trình ra Quốc hội lần này và khẳng định, việc quy định BĐBP là lực lượng chuyên trách nòng cốt là hoàn toàn đúng đắn, không có sự chồng chéo gì với lực lượng công an nhân dân. Theo ĐB, khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng về an ninh khác với an ninh nội địa. Nhiệm vụ nào cần có sự phối hợp với lực lượng công an thì Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cần ra quy chế phối hợp hoạt động. “Khảo sát của Đoàn ĐBQH TPHCM cho thấy, thực tiễn từ 1997 đến nay không phát hiện ra vướng mắc gì lớn trong sự phối hợp này”, ĐB Nguyễn Văn Chương phát biểu. Đây cũng là quan điểm của ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) và một số ĐB khác.

Một nội dung khác được các vị ĐBQH bày tỏ quan tâm là thẩm quyền của BĐBP trong việc hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới. Đồng tình với quy định như dự thảo, song ĐB Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) nêu quan điểm: “Để bảo đảm yêu cầu của Hiến pháp là việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định, cần nêu rõ vào Luật này về hình thức thực hiện việc hạn chế: bằng văn bản hay lời nói, hay cách thức nào khác, trường hợp nào sử dụng hình thức nào; nhằm tránh lạm quyền hoặc thực thi không thống nhất”.

Về trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp, nhiều ĐB bày tỏ đồng tình với việc dự thảo luật được bổ sung nội dung “chính sách hậu phương quân đội”; đồng thời rà soát, chỉnh về thẩm quyền quyết định ngân sách theo Luật Ngân sách Nhà nước cho công tác này, theo đó thẩm quyền “Ưu tiên đảm bảo nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP công tác lâu dài ở khu vực biên giới” là của HĐND.

Tin cùng chuyên mục