Trước đó, Báo SGGP đã phản ánh tình trạng tại nhiều chợ dân sinh và siêu thị ở Hà Nội xảy ra tình trạng “mua vét” thực phẩm vào sáng 6-9.
Theo đó, Bộ Công thương đã ban hành công điện ngày 6-9 về việc ứng phó khẩn cấp với bão. Sở Công thương tại các tỉnh và thành phố cần chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu và rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt để đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân.
Theo Vụ Thị trường trong nước, các sở Công thương tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn đã ban hành văn bản chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất, phân phối báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu…
“Theo báo cáo, khối lượng hàng hóa dự trữ đủ đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng”, Vụ Thị trường trong nước thông tin. Trường hợp thiên tai kéo dài và nguồn hàng dự trữ không đủ, các địa phương sẽ huy động từ các nguồn trong và ngoài tỉnh để đảm bảo ứng cứu kịp thời.
Vụ Thị trường trong nước cũng dẫn báo cáo từ các doanh nghiệp phân phối (Saigon Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart…) về tình trạng khách mua hàng tăng vọt vào sáng 6-9 nhưng nguồn cung vẫn đáp ứng tốt.
Các doanh nghiệp đã tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 2-3 lần so với trước, đồng thời có kế hoạch điều hàng từ các địa phương lân cận, tăng cường bán hàng trực tuyến và giao hàng nhanh.
Lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng. Đến nay, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương cơ bản ổn định, sức mua tăng nhưng nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu. Các địa phương cam kết bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.