Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, nếu tính chung từ năm 2021 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra là 13%-13,5%/năm. Thực tế này sẽ ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ và GDP chung của cả nước.
Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2023 đạt hơn 6 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022. Mức tăng này đã vượt qua mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm là tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, các ngành thương mại, du lịch có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ ghi nhận chỉ đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ, các nhóm có đóng góp lớn cho mức tăng chung là lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm giáo dục, đồ dùng trang thiết bị gia đình, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức tăng từ 10,4%-37,1%; các nhóm khác như hàng may mặc, phương tiện đi lại, dịch vụ khác chỉ tăng từ 2,4%-9,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 5,7%. Chỉ số tăng trưởng rất thấp so với mục tiêu kỳ vọng.
Ở góc độ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA), ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc SATRA, cho biết, sức mua thị trường hiện không cao. Người tiêu dùng chỉ tập trung vào một số nhóm hàng thiết yếu tiêu dùng hàng ngày. Còn với nhóm hàng hóa thời trang, hóa mỹ phẩm, gia dụng thì sức mua giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Bộ Công thương đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp phân phối lớn triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thị trường, kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp gỡ, tiếp cận mua bán, trao đổi hàng hóa; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin phân tích và dự báo thị trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản tại thị trường trong nước; hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam tham gia vào chuỗi phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài. Thế nhưng, sức mua vẫn rất đáng quan ngại.
Cần đột phá hơn với chương trình khuyến mãi
Cũng theo ông Sơn, để tăng sức mua trong thời gian tới, SATRA thực hiện khoảng 14 chương trình khuyến mãi tập trung vào nhóm hàng thiết yếu. Trong đó, có 2 đợt cao điểm là tháng 9 và Tết Dương lịch. Hiện SATRA đã làm việc và sẽ đồng hành cùng nhà cung cấp để hàng hoá đến tay người tiêu dùng có chất lượng, giá cả tốt nhất. Cùng với đó, chúng tôi sẽ áp dụng thêm chương trình voucher khuyến mãi cho những mặt hàng có sức mua yếu hơn như thời trang, hoá mỹ phẩm, gia dụng.
Còn về giải pháp chung, các tỉnh, thành cần có giải pháp triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi cho các doanh nghiệp. Riêng Sở Công thương TPHCM nên rút ngắn thời gian thực hiện khuyến mãi thay vì quá dài như hiện nay. Ngược lại, áp dụng đồng loạt trên nhiều nhóm hàng và nhiều doanh nghiệp để tạo sự đột phá, hấp dẫn cho chương trình. Song song đó, kết hợp đẩy mạnh truyền thông trên đa dạng các kênh thông tin để lan toả sâu rộng chương trình đến với người tiêu dùng, từ đó thu hút người tiêu dùng đến với các điểm bán.
Về phía Bộ Công thương cho biết thêm, để tiếp tục duy trì và thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, bộ sẽ khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể trong trước mắt và trung hạn để kích thích tiêu dùng xã hội. Qua đó, gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước, phục hồi và nâng cao tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội; kiềm chế lạm phát, từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tích cực tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, các điểm bán hàng OCOP, chương trình bán hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết; kêu gọi các doanh nghiệp phân phối lớn, các hợp tác xã, chợ đầu mối căn cứ tình hình hoạt động và nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng chương trình hỗ trợ thu mua, chế biến, để tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của các địa phương.
Thông qua những hoạt động này, các sản phẩm của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng…) có thể bán trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường tiêu dùng trong nước cũng như tham gia vào chuỗi phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, do vậy để tiếp tục duy trì và thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới, các cơ quan chức năng cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể trong trước mắt và trung hạn để kích thích tiêu dùng xã hội.
Qua đó, gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước, phục hồi và nâng cao tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội; kiềm chế lạm phát, từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.