Sau hơn 2 năm Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương giữa Việt Nam và châu Âu (EU), khi EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Theo dữ liệu, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU từ tháng 8-2020 đến tháng 7-2022 đạt 83,4 tỷ USD - cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đang có tốc độ tăng trưởng cao như vậy, nhưng Bộ Công thương cho rằng, số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng. Dư địa của thị trường EU còn rất lớn với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, nhưng hiện hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường này.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), ngay cả những mặt hàng chiến lược của chúng ta như thủy sản, rau quả là thế mạnh thì thị phần vẫn còn rất thấp. Trong đó, rau quả chỉ chiếm hơn 2-3%, thủy sản khoảng hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%…
“Mặc dù hiện nay chúng ta đã bắt đầu có những thương hiệu hiện diện ở EU, ví dụ như gạo Lộc Trời, cà phê Vĩnh Hiệp, hồ tiêu Khương Sinh… nhưng đáng tiếc là số lượng những thương hiệu như thế còn khá khiêm tốn và mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều thương hiệu nữa xuất hiện tại thị trường EU”, ông Khanh nói.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, đặc điểm của thị trường này là “họ không chỉ quan tâm đến giá thành, chất lượng mà còn quan tâm đến cách thức chúng ta làm ra sản phẩm, chúng ta đối xử với người lao động, đối xử với môi trường như thế nào và kể cả đối xử với xã hội như thế nào”.
Bàn thêm về khía cạnh này, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng khẳng định, thị trường EU không chỉ đặt ra yêu cầu kỹ thuật cao về số lượng và chất lượng mà còn theo dõi phương pháp, cách thức chúng ta sử dụng lao động thế nào, thậm chí môi trường, cảnh quan nhà máy ra sao. Có thể chúng ta không thể một sớm một chiều mà đáp ứng được, nhưng nếu làm dần từng bước một thì có thể đáp ứng được.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng chia sẻ, thị trường EU có những sức hút và lợi thế mà các doanh nghiệp của chúng ta không nên bỏ lỡ. Cả thế giới bây giờ có 8 tỷ dân, ở châu Âu chỉ có khoảng 500 triệu dân nhưng nhu cầu nhập khẩu rau quả lại chiếm khoảng 45%. “Bởi các nước châu Âu không trồng được các loại rau quả nhiệt đới, ví dụ như dứa, chuối, chanh leo. Và một điều nữa đối với thị trường châu Âu là luôn thanh toán sòng phẳng, nghiêm túc”, ông Khuê nói.
Đề cập giải pháp để gia tăng sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, cho rằng, cái khó hiện nay của chúng ta là vẫn còn nhiều doanh nghiệp e ngại hoặc chưa hiểu nhiều về thị trường này cũng như việc tận dụng các lợi thế của Hiệp định EVFTA.
Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải thúc đẩy xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác ở EU. Mặc dù lâu nay chúng ta đã làm việc này rồi nhưng chúng ta làm chưa đủ tốt, chủ yếu là làm riêng lẻ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của họ. “Nhưng bây giờ có lẽ chúng ta cần phải xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng”, bà Trang nói.
Đồng thời để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo yêu cầu chất lượng trước khi xuất khẩu, Nhà nước có thể hỗ trợ miễn phí về kiểm tra cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể đảm bảo hàng hóa của mình an toàn khi đưa vào EU, không bị trả lại. Nhà nước cũng nên hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp để biết quy trình EU đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng như thế nào, trên cơ sở đó doanh nghiệp mới có thể tuân thủ.