Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều mô hình, dự án kinh doanh theo kiểu đa cấp, mang nhiều cái tên như “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “kinh doanh thời đại 4.0”…
Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, youtube và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…) với lời quảng cáo như “sân chơi” của các “bạn trẻ khởi nghiệp”; những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu; giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, mô hình tiếp thị liên kết...
Điểm chung của các dự án đa cấp này là thường nhắm vào các đối tượng trẻ như sinh viên đang có nhu cầu tìm việc làm thêm, mong muốn khởi nghiệp. Các dự án, mô hình hoạt động này thường được giới thiệu có quy mô mang tầm quốc tế, “sứ mệnh thời đại 4.0”, lấy lợi ích cộng đồng làm động lực phát triển.
Những dự án đa cấp này thường quảng cáo với hoa hồng, thu nhập rất cao. Lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình này thường thi nhau “nổ”, “chém gió” rằng chủ đầu tư dự án hiện nay là những người đi tiên phong, làm cách mạng trong thời đại mới để lôi kéo, thúc giục nhà đầu tư bỏ tiền tham gia phát triển dự án.
Đáng lưu ý, khoản tiền đầu tư của người tham gia dự án không hề được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia, hiển thị trên giao diện website. Hệ thống máy chủ lưu giữ dữ liệu thường được đặt tại nước ngoài. Chủ đầu tư không hiện diện tại Việt Nam hoặc có tư cách pháp nhân theo quy định của Việt Nam.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đánh giá mô hình hoạt động của các dự án này có dấu hiệu hoạt động đầu tư theo mô hình kim tự tháp và là hành vi bị cấm theo quy định hiện hành.
Do đó, để tránh rủi ro về vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án như vậy.