Sáng nay 26-2, Văn phòng Bộ Công thương chia sẻ với báo chí về việc bộ này đang xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Bộ Công thương đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sau đó, EVN đã báo cáo Bộ Công thương Đề án "Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện". Trên cơ sở báo cáo của EVN, ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Bộ Công thương đã xem xét, xây dựng các Phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo đó, Bộ Công Thương đang đề xuất 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc, cụ thể:
Phương án I: 1 bậc
Phương án II
+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên;
+ Bậc 2: cho kWh từ 101 - 400;
+ Bậc 3: cho kWh 401 trở lên;
Phương án III
+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên;
+ Bậc 2: cho kWh từ 101 - 300;
+ Bậc 3: cho kWh từ 301 - 600;
+ Bậc 4: cho kWh từ 601 trở lên;
Phương án IV
+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên;
+ Bậc 2: cho kWh từ 101 - 200;
+ Bậc 3: cho kWh từ 201 - 400;
+ Bậc 4: cho kWh từ 401 - 700;
+ Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên.
Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành, tổ chức và địa phương về các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Sau khi nhận được ý kiến, Bộ Công thương sẽ tổng hợp Phương án được lựa chọn vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg) để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, trong các phương án nêu ra, Bộ Công thương đề nghị nên xem xét và lựa chọn phương án xây dựng 5 bậc theo kịch bản 1. Lý lẽ như sau:
Giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang (thay vì 6 bậc thang như hiện hành); trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101 - 200 kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400 kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Phương án này đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; Các hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700 kWh sẽ có tiền điện phải trả giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 700 kWh/tháng phải trả tăng tiền điện để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.
Ưu điểm là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc. Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với hiện hành.
Mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối, cụ thể: Nam California, Mỹ là 2,2 lần; Hàn Quốc là 3 lần; Lào là 2,88 lần; Thái Lan là 1,65 lần.
Song nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng, tương ứng khoảng 1,1% tổng số tiền điện phải trả.