Bộ Công thương đề xuất EVN thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Trả lời báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức chiều 7-1 tại Hà Nội, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu tiền khả thi, thực hiện dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

IMG_6475.jpeg
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp báo chiều 7-1

Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc cho biết, hiện nay, theo Luật Điện lực (sửa đổi) thì Chính phủ cần ban hành một loạt nghị định liên quan, trong đó có quy định về chu kỳ điều chỉnh giá điện.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công thương đã tham khảo các ý kiến và đang đưa ra lộ trình rút ngắn chu kỳ (thời gian) điều chỉnh giá điện để đảm bảo bám sát cơ chế thị trường. Theo đó, Bộ Công thương đã giao cho Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) nghiên cứu các phương án, trong đó có phương án rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện từ 3 tháng xuống còn 2 tháng, nhưng cũng cần phải nêu rõ tác động nếu áp dụng phương án 2 tháng so với 3 tháng.

Về nội dung này, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05 cho phép điều chỉnh chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 6 tháng như trước đây xuống còn 3 tháng.

Hiện nay, Bộ Công thương tiếp tục giao Cục Điều tiết điện lực tiếp tục nghiên cứu cơ chế điều chỉnh cũng như thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng xuống còn 2 tháng.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho rằng, đây là một chủ trương mới. Theo kế hoạch, dự thảo nghị định cần được xây dựng và ban hành cùng thời gian với hiệu lực thi hành của Luật Điện lực (sửa đổi) từ ngày 1-2-2025.

“Hiện nay, dự thảo nghị định đang lấy ý kiến cho phương án thời gian điều chỉnh giá điện xuống còn 2 tháng, tuy nhiên sẽ cần phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là cần phải có thời gian để đánh giá tác động khi chúng ta điều chỉnh chu kỳ 2 tháng”, đại diện Cục Điều tiết điện lực nói. Sau khi tổng hợp đầy đủ các ý kiến, Cục Điều tiết điện lực sẽ kiến nghị Bộ Công thương đề xuất một phương án phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế hiện tại.

Liên quan đến chủ trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, đại diện Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, từ tháng 8-2024, Bộ Công thương đã giao cục nghiên cứu cơ chế này. Hiện Cục Điều tiết điện lực và EVN đang nghiên cứu xây dựng cơ chế này, song đây là chính sách mới ở Việt Nam và sẽ tác động đến tất cả đối tượng khách hàng (từ nhỏ đến lớn).

“Do đó, chúng tôi đang đề nghị EVN có những đánh giá tác động trước khi đưa ra đề xuất cụ thể. Bộ Công thương có thể sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng theo lộ trình, không thể áp dụng một cách đồng loạt”, đại diện Cục Điều tiết điện lực trả lời báo chí.

Với câu hỏi phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Cục trưởng Bùi Quốc Hùng thông tin, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị bổ sung dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 vào Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao cho EVN triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo đề xuất của EVN.

Như Báo SGGP đã thông tin, tại hội nghị tổng kết năm 2024 tổ chức ngày 6-1 tại Hà Nội, EVN đã đề nghị Chính phủ giao EVN tiếp tục đầu tư các dự án điện hạt nhân như đã có chủ trương giao từ năm 2010.

Cụ thể, dựa trên Nghị quyết số 174/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua ngày 30-11-2024, EVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp tục đầu tư các dự án điện hạt nhân đã được phê duyệt từ năm 2010. Trong báo cáo tổng kết và nêu nhiệm vụ năm 2025, EVN tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, xem đây là một hướng đi chiến lược nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.

nha-may-dien-hat-nhan_EKHW
Điện hạt nhân. Ảnh minh họa

Việc tái khởi động dự án này không chỉ thể hiện quyết tâm trong việc nâng cao nguồn cung điện ổn định mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành năng lượng trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng điện năng ngày càng cao. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, EVN cho biết cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt trong việc xây dựng lộ trình cụ thể và nguồn vốn triển khai.

Liên quan đến dự án này, tại Chỉ thị 01/CT-TTg ban hành ngày 3-1-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp cùng EVN và các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư trong giai đoạn 2025-2030. Đây là một phần trong chiến lược đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm. Việc thúc đẩy điện hạt nhân không chỉ góp phần giải quyết các vấn đề về nguồn cung trong dài hạn mà còn hướng tới giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải carbon, phù hợp với các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục