Ngày 21-7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Công thương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Buổi làm việc có sự tham dự của các thành viên đoàn giám sát, đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học...
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, công tác cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Cả nước đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh; gần đây điện gió và điện mặt trời cũng bắt đầu phát triển nhanh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 với đoàn giám sát |
“Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Điện lưới quốc gia đã phủ hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo”, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh. Đặc biệt, ngành năng lượng được tích cực chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế với nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 cũng gặp phải nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi...
Thành viên đoàn giám sát dự buổi làm việc |
Qua thảo luận, các thành viên đoàn giám sát ghi nhận, ngành công thương đã nỗ lực tham mưu cho Nhà nước về ban hành các chủ trương, chính sách phát triển năng lượng trong thời gian qua, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cần báo cáo rõ hơn về tình trạng thiếu hụt năng lượng, phân bổ năng lượng giữa các vùng miền, sự đồng bộ giữa an ninh năng lượng và hạ tầng năng lượng, nêu rõ giải pháp…
Các ý kiến đoàn giám sát đề nghị Bộ Công thương bổ sung danh mục các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ đề xuất cần điều chỉnh, bổ sung, làm mới hoặc hủy bỏ; danh mục các dự án còn đang tồn đọng, vướng mắc, khó khăn… báo cáo bổ sung gửi đoàn giám sát trước ngày 25-7-2023.
ĐB Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chậm trễ trong việc tham mưu văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống lưới truyền tải điện của quốc gia bị thiếu, chậm được đầu tư và hệ thống truyền tải điện là yếu tố cản trở sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống hạ tầng nhập khẩu, trung chuyển than quy mô lớn, kho cảng nhập khẩu, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG chậm được triển khai, hiện số số lượng kho quá khiêm tốn, không thể đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Hệ thống kho cảng xăng dầu đầu tư còn dàn trải và giá trị thấp, dự trữ dầu thô quốc gia chưa được đầu tư, chưa được quan tâm xây dựng.
ĐB Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu |
ĐB Trần Văn Khải cho rằng, nhìn chung hạ tầng năng lượng đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức.
“Đề nghị Bộ Công thương cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng; trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu, thuộc cá nhân, tổ chức nào; đến bao giờ có quy định cụ thể để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, cơ chế thu hút vốn ngoài Nhà nước và xã hội hóa tối đa đầu tư cơ sở vật chất liên quan đến hạ tầng năng lượng”, ĐB nêu yêu cầu.
ĐB Trần Văn Khải cũng đề nghị Bộ Công thương cho biết nguyên nhân chủ quan của sự chậm trễ, thiếu, không ổn định của chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua, trách nhiệm của Bộ và bao giờ giải quyết được điểm nghẽn này.
ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Bộ Công thương làm rõ đến lúc này có cần thiết ban hành Luật Năng lượng tái tạo để làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển nhanh tiềm năng, lợi thế điện mặt trời, điện gió ở nước ta hay không…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Công thương đánh giá rõ tác động các công trình thủy điện hiện nay đến đời sống của người dân, mục tiêu đã giải quyết được gì, đề nghị cập nhật số liệu giữa các thời kỳ. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ Công thương đặt ra những mốc thời gian và mục tiêu cụ thể để giải quyết các vấn đề bất cập trong lĩnh vực năng lượng; xác định rõ trách nhiệm của Bộ trong cơ chế điều hành xăng dầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Bộ Công thương tiếp thu các đề xuất của đoàn giám sát về an ninh năng lượng quốc gia, thị trường điện cạnh tranh; thị trường xăng dầu; về tái cơ cấu ngành năng lượng (nhất là ngành điện); quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, quy hoạch điện XVIII và các quy hoạch phân ngành năng lượng khác (than, dầu khí); công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.
“Báo cáo cần tập trung hơn về giá điện, thị trường điện; tính bền vững, ổn định an ninh năng lượng trước mắt và lâu dài; các vấn đề về chiến lược; về quy hoạch điện VIII, bổ sung các chỉ tiêu, hiệu quả sử dụng năng lượng, chỉ rõ trách nhiệm của Bộ trong từng vấn đề”, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.