Thời gian qua các sân khấu kịch tại TPHCM không hiếm những tác phẩm viết về cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người đồng giới, nhưng với Bồ công anh, đạo diễn - NSƯT Hữu Quốc khéo léo khai thác những góc cạnh tâm lý rất đời của những con người trẻ tuổi, nhiệt huyết, nặng tình và biết hy sinh vì người khác. Câu chuyện kịch gửi đến người xem những cung bậc cảm xúc khác biệt, những góc khuất trong đời sống, tâm tư của những người trẻ, là Công Anh (Hoàng Ngọc Sơn) - Sơn Quỳnh (NSƯT Mỹ Uyên) - Tử Đằng (Vũ Trần). Bộ ba những người bạn thân thời sinh viên, thường cùng nhau lên triền đồi phủ đầy hoa bồ công anh để vui đùa, chuyện trò, vẽ tranh và chia sẻ những tâm sự tuổi trẻ… Đến một ngày, một sinh viên học khóa sau, cũng tên Công Anh (Hữu Tài) xuất hiện, đã khiến tình cảm của bộ ba xáo trộn. Chuyện tình yêu đồng giới cũng bắt đầu từ đây. Công Anh nhỏ đổi tên thành Công Em và mối tình của hai người được che giấu kéo dài trong suốt 3 năm.
Cũng trong khoảng thời gian đó, mẹ của Công Anh (NSƯT Hạnh Thúy) tất tả ngược xuôi, vừa gồng gánh công ty của chồng để lại, vừa âm thầm cho người theo dõi con trai mình. Đến một ngày, bà chính thức có những hành động quyết liệt để ngăn cản con trai chạy theo người tình cùng giới. Bà quyết định bắt con phải cưới Sơn Quỳnh. Cùng ở góc độ người làm mẹ yêu thương, muốn bảo bọc, che chở cho con, mẹ Công Em (Tuyền Mập) đã vô cùng đau khổ, xót xa cho con. Bà chứng kiến nỗi đau của con khi tự ép buộc bản thân từ bỏ tình cảm riêng tư để gia đình người yêu được an yên, hạnh phúc. Mẹ Công Em luôn sẵn sàng bảo vệ con trước sự thóa mạ, sỉ nhục của mẹ Công Anh, song bà cũng mềm yếu với giọt nước mắt lụy tình mà con phải gánh chịu.
Yêu như thế nào mới đúng? Những cuộc hôn nhân gượng ép liệu có tồn tại bền vững cùng thời gian? Tình yêu, sự bảo bọc và cả một số quyết định khiêng cưỡng của người làm mẹ trước số phận, cuộc đời của đứa con mình dứt ruột đẻ ra liệu có đúng hoàn toàn? Sự kỳ thị về giới tính vẫn còn hiển hiện đâu đó trong một xã hội hiện đại... Những câu hỏi, những vấn đề nóng, đậm chất đời sống xã hội hiện diện trong câu chuyện kịch Bồ công anh khiến người xem phải suy ngẫm. Khán giả lắng lòng thêm khi vở kịch khép lại với điểm lùi về 15 năm sau, đó là hình ảnh Sơn Quỳnh vượt một đoạn đường dài để tìm và trao lại di vật của Công Anh cho Công Em. Chi tiết đánh dấu một điểm dừng của những cung bậc tình cảm mà những người từng có một thời thanh xuân đong đầy yêu thương, biết chấp nhận chịu thiệt để sống trọn vẹn với đời, với người.
Bên cạnh những phân cảnh kịch tạo nhiều tiếng cười vui nhộn từ dàn diễn viên trẻ duyên dáng, dễ thương, câu chuyện kịch Bồ công anh còn tạo nên những cảm xúc, sự rung động tình cảm cho người xem, nhất là với những màn đối thoại, cách xử lý tình huống của hai người mẹ, tình cảm của những người trẻ qua từng giai đoạn cuộc đời. Có lẽ, chất tình đong đầy trong vở kịch đã tạo nên sự thu hút đặc biệt, giúp vở diễn được đông đảo khán giả đón nhận ngay từ buổi đầu công diễn.