Vượt kế hoạch đề ra
Báo cáo kết quả thực hiện, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đối với Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tính tới nay, toàn quốc đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 102 triệu phiếu DC01 từ các nguồn thông tin; chỉ đạo công an các địa phương rà soát, “làm sạch” dữ liệu trên hệ thống phần mềm và củng cố hồ sơ sổ sách; tàng thư hồ sơ hộ khẩu được hơn 98 triệu nhân khẩu (đạt 95,8%).
Trên cơ sở dữ liệu dân cư được làm sạch, ngày 18-6 vừa qua, Bộ Công đã tiến hành cấp đồng loạt hơn 98 triệu số định danh cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống (đã loại bỏ các trường hợp: công dân bị trùng; đã chết; thôi quốc tịch; Công an địa phương đề xuất xóa và các công dân chưa được làm sạch dữ liệu bao gồm cả những công dân thiếu nơi thường trú), đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, thông qua việc triển khai 2 dự án đã gắn với công tác phòng chống tội phạm như: Bắt vận động đối tượng truy nã (bắt 147 đối tượng và thanh loại gần 1.000 đối tượng); thông qua hệ thống đối sánh sinh trắc ABIS hồ sơ cấp CCCD với danh sách đối tượng truy nã đã phát hiện hơn 1.500 đối tượng; đồng thời, thông báo công an các địa phương để tiến hành rà soát, truy bắt các đối tượng và thanh loại các đối tượng đã được đình nã.
Việc đưa các trường thông tin về quản lý đối tượng, thông tin nghiệp vụ vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là công tác quản lý đối tượng hoạt động lưu động; Công tác cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của công dân.
Đối với Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD, lực lượng công an nhân dân toàn quốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt trong thực hiện, tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng.
Các tổ thu nhận hồ sơ cấp căn cước cố định, lưu động làm việc không kể ngày nghỉ, ngày lễ với phương châm “gần làm đêm, xa làm ngày; dễ làm trước, khó làm sau; tập trung trước, phân tán sau", tạo sự lan tỏa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, khen ngợi, đánh giá cao...
Do có sự quyết tâm của toàn lực lượng nên chỉ trong thời gian ngắn, từ 1-3 đến nay, toàn quốc đã thu nhận được trên 54 triệu hồ sơ cấp thẻ căn cước, nhiều địa phương dự kiến đạt chỉ tiêu về đích sớm hơn dự kiến, đồng thời, sẵn sàng chi viện máy móc, nhân lực cho các địa phương khác để hoàn thành mục tiêu chung của chiến dịch.
Đồng thời, Bộ Công an cũng đã nghiên cứu, xây dựng việc cấp CCCD cho nhân khẩu tạm trú, theo đó, công dân không cần phải quay về nơi thường trú để làm CCCD, rút ngắn được thời gian di chuyển cho công dân.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm, việc in và trả thẻ căn cước cho công dân, Bộ Công an đã chỉ đạo các nhà thầu chuẩn bị nhân lực, phương tiện bảo đảm công suất in và trả 500.000 thẻ/ngày.
Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn khách quan từ việc khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu trên thế giới, nhất là chip điện tử (do tác động của đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn), nên tiến độ in và trả thẻ chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch, đến nay đã in và trả trên 19 triệu thẻ căn cước gắn chip cho công dân.
“Bộ Công an đang tích cực chỉ đạo các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ in và trả thẻ căn cước cho công dân trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.
Vận hành nhiều lớp bảo mật
Việc vận hành, bảo mật và đảm bảo đường truyền an toàn cho 2 hệ thống trên luôn được Bộ Công an và các nhà thầu đặt lên hàng đầu. Hiện nay, theo Bộ Công an, tận dụng hạ tầng truyền dẫn của Bộ Công an và các phương án bảo mật đã được triển khai cho gần 12.000 điểm kết nối từ Trung ương đến cấp xã... có giải pháp kết nối mạng trong - mạng ngoài để tổ chức kết nối với các cơ sở nghiệp vụ trong ngành và kết nối cơ sở dữ liệu chính phủ, các dịch vụ công trực tuyến phục vụ khai thác, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ban, ngành và phát triển Chính phủ điện tử, dữ liệu trao đổi giữa 2 mạng được truyền theo cơ chế một chiều có bảo mật đảm bảo an toàn mức độ cao nhất. Áp dụng bảo mật đường truyền của Ban Cơ yếu Chính phủ để bảo mật dữ liệu truyền.
Đối với phương án đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, Bộ Công an cho biết, hệ thống đáp ứng an ninh an toàn thông tin cấp độ 4 đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu nghiệp vụ Ngành được xác định độ mật. Sử dụng giải pháp bảo mật do Ban Cơ yếu cung cấp: Xác thực/ký số toàn vẹn dữ liệu và bảo mật kênh truyền.
Ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” như tiêu chí mà Bộ Công an đã đặt ra, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội có dữ liệu gốc làm nền móng để triển khai những ứng dụng chuyên ngành thiết thực và phát triển những dữ liệu quan trọng khác trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nền tảng quan trọng, là điều kiện tối cần thiết để hình thành định danh số cho mỗi công dân Việt Nam trên môi trường số, giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Đó cũng chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Tại buổi tổng kết, các điểm cầu cũng tổ chức trải nghiệm thực tế các dịch từ hai hệ thống cơ sở trên, từ đó thấy được sự hữu dụng, vận hành liên thông giữa các hệ thống và những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Bộ Công an chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xây dựng quy định về bảo đảm an ninh mạng đối với 2 hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn khi triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân với các Cơ sở dữ liệu khác.
“Với quan điểm xuyên suốt trong triển khai 2 dự án là hiện đại, đồng bộ và tránh lãng phí bảo đảm khách quan, đúng quy định pháp luật về chi tiêu ngân sách, không để thất thoát tài sản nhà nước, Bộ Công an đã chủ động đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc giám sát ngay từ đầu với nguyên tắc làm xong đến đâu kiểm toán đến đó”, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.
Tiếp tục hoàn thiện “lõi” của 2 hệ thống |