Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý đúng mức độ thí sinh làm lọt đề thi và người liên quan

Chiều 29-6, Bộ GD-ĐT đã họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Theo GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, tinh thần chung là đề thi vẫn giữ ổn định như các năm, không ra ngoài chương trình, bảo đảm tính phân hóa để đạt mục tiêu của kỳ thi. Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa vào quy trình kiểm soát các nội dung để tránh trùng lắp, có sử dụng phần mềm rà soát, cùng Bộ Công an quét số lượng rất lớn các đề thi, câu hỏi đã sử dụng, tương tự tránh “‘đạo văn”. Quy trình được sử dụng cho tất cả các môn, vì thế hạn chế được nhiều phần trùng lặp.

GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. Ảnh: ĐỖ TRUNG

GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này phụ thuộc vào dữ liệu của chúng ta có. Ví dụ với trường hợp trùng với đề thi thử của Nghệ An, ngữ liệu thì trùng nhưng lệnh hỏi thì hoàn toàn khác nhau, điều này là bình thường với bài làm văn. GS Nguyễn Ngọc Hà giải thích, vì cả chương trình có 17 tác phẩm văn học, trong đó 2 tác phẩm không thi, do đó với chương trình phổ thông hiện hành thì không thể ra đề thi ngoài 15 tác phẩm, nên ngữ liệu có thể trùng nhau vì các tỉnh thành cũng sử dụng. Nhưng quan trọng là lệnh hỏi khác nhau hoàn toàn, nên không thể nói là có sự trùng đề.

Tương tự với đề thi Ngữ văn của Hà Nội thì cả ngữ liệu và lệnh hỏi đều khác nhau, đề thi ở Hà Nội yêu cầu về làm chủ cảm xúc còn thi tốt nghiệp là cân bằng cảm xúc, cả dữ liệu và lệnh hỏi đều ở mức cao hơn.

Về phản ánh cho rằng đề thi Ngữ văn vẫn cũ, chưa thoát khỏi văn mẫu, GS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, về nghị luận văn học, Ban Đề thi sử dụng các ngữ liệu ngoài chương trình, gần gũi với đời sống, có tính thời sự, có tính giáo dục cao. Còn về phần làm văn, ở thời điểm hiện tại do quy định của chương trình nên chưa thể bảo đảm tính mở cao, khi triển khai chương trình mới thì sẽ làm tốt vấn đề này hơn.

Cũng theo GS Nguyễn Ngọc Hà, mọi kỳ thi đều đặt tính công bằng của thí sinh lên cao nhất, muốn thế thì đề thi phải bảo đảm được tính phân hóa. Nguyên tắc ra đề thi là phải bảo đảm cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Nếu đạt được nguyên tắc đó thì bảo đảm phân hóa tốt. Đề thi năm nay bảo đảm lần lượt 50% cho mức độ nhận biết, 25% cho thông hiểu và 25% cho vận dụng và vận dụng cao. “Ban Đề thi phải trao đổi rất kỹ, vì nếu câu hỏi ở mức độ này đặt vào mức độ kia thì đề thi không bảo đảm, không phân loại được thí sinh”, GS Nguyễn Ngọc Hà cho hay.

Trả lời câu hỏi về quy trình làm đề thi để tránh “thao túng” đề thi, GS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh, đầu tiên phải là tính bảo mật, những người được lựa chọn giới thiệu đề vào ngân hàng là khác nhau, điều này đã được Bộ GD-ĐT điều chỉnh so với quy trình trước đó, bảo đảm người được lựa chọn giới thiệu câu hỏi và người được lựa chọn câu hỏi là khác nhau.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Báo chí cũng chất vấn tập trung về giải pháp phòng ngừa gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đây là vấn đề lãnh đạo Bộ GD-ĐT chú trọng, tăng cường tập huấn cao, truyền thông mạnh để làm thay đổi nhận thức của thí sinh. Nhưng, kỳ thi với quy mô lớn cả triệu thí sinh dự thi, vẫn xảy ra một vài trường hợp thí sinh vi phạm. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để triển khai giải pháp, trong đó mong nhận được hiến kế của báo chí.

Về xử lý đối với 2 thí sinh làm lọt đề thi ra ngoài, ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, đó là vi phạm quy chế thi, đã bị xử lý, bị đình chỉ thi, Bộ Công an và Bộ GD-ĐT đang tiếp tục phối hợp xác minh các bên liên quan để xử lý theo pháp luật tùy mức độ. Về 2 thí sinh vi phạm làm lọt đề ra ngoài đều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Chương cho rằng, vi phạm ở đâu cũng như nhau, xử lý nghiêm như nhau, xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ là ngẫu nhiên, bộ quán triệt nghiêm quy chế đến tất cả các tỉnh thành, tuy nhiên bộ cũng sẽ lưu ý thêm với các tỉnh thành ở khu vực này.

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trả lời tại họp báo, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an cho biết, về vụ lọt đề thi ra ngoài, thí sinh truyền ra thì phải có người nhận bên ngoài. Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Công an đã ngay lập tức xác minh được người nhận, điều tra, đến nay chưa nhận thấy việc lời giải đã chuyển vào phòng thi.

Qua vụ việc của 2 thí sinh phát tán đề thi ở Cao Bằng và Yên Bái, Thiếu tướng Trần Đình Chung gợi ý, có thể phải nghiên cứu thêm về các thiết bị để chống và phát hiện việc sử dụng thiết bị công nghệ cao được giấu ở trong người.

“Trước kỳ thi, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp với công an các địa phương triệt phá 2 nhóm có mua bán, sử dụng, thuê thiết bị để phục vụ kỳ thi đối với 90 cá nhân ở 28 địa phương”, lãnh đạo A03 nói và đề nghị ngoài việc nâng cao công tác kiểm tra, giám sát ra thì cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho các thí sinh, phụ huynh và các đối tượng khác phải biết được hành vi này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm.

Dự báo tại các kỳ thi thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp về công nghệ cao trong gian lận thi cử, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho rằng, việc này chắc chắn vẫn tiếp tục, điều quan trọng là làm thế nào để hạn chế.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, chúng ta có Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, không còn khái niệm lọt, chỉ là lộ bí mật nhà nước. Bộ Công an sẽ xem xét kỹ về trường hợp 2 thí sinh, điều tra rõ ràng về mức độ, cả tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, sau đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, nếu phải áp dụng xử lý hình sự thì xử lý hình sự, không thì xử lý hành chính. Nhưng, quan điểm của Bộ Công an là trước khi xử lý cũng phải tính toán tính nhân văn đối với các em. Bộ sẽ tiếp tục thẩm tra, xác minh, kết quả điều tra sẽ được công khai.

Tin cùng chuyên mục