Sáng 28-6, Bộ Công an đã tổ chức họp báo về tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2017.
Tại buổi họp báo, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã trả lời những vấn đề nóng mà dư luận xã hội đang rất quan tâm, đó là việc Công an tỉnh Yên Bái khởi tố và bắt tạm giam nhà báo Lê Duy Phong (Trưởng ban Bạn đọc của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam); vụ Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố và bắt giam 3 bị can liên quan tới vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Vụ tàu vỏ thép ở Bình Đình bị hỏng và một số vụ việc nóng bỏng khác.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, đến nay Bộ Công an đã nhận được báo cáo của Công an tỉnh Yên Bái về việc khởi tố bị can và bắt tạm giam nhà báo Lê Duy Phong.
Qua báo cáo cho biết, ngày 16-6, nhà báo Lê Duy Phong đã lên Yên Bái và tới gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái. Tại cuộc gặp gỡ trao đổi với ông Vũ Xuân Sáng, Lê Duy Phong đã đưa ra một số thông tin liên quan tới việc đầu tư tại tỉnh Yên Bái và đặt vấn để với lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái chuyển 200 triệu đồng để không viết các vấn đề, thông tin liên quan tới một số vi phạm trong đầu tư tại Yên Bái.
Sau khi Lê Duy Phong đặt vấn đề “tiền nong”, vào chiều cùng ngày do không có đủ tiền, ông Sáng đã gửi trước cho Phong 100 triệu đồng và 100 triệu đồng được chuyển vào hôm sau. Sau đó vào ngày 21-6, Phong lại lên Yên Bái và trưa 22-6, Phong bị Công an tỉnh Yên Bái bắt quả tang khi đang nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước một số ý kiến đề nghị rút hồ sơ vụ án của nhà báo Lê Duy Phong lên Bộ Công an để điều tra nhằm bảo đảm khách quan, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cũng khẳng định, việc Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Yên Bái khởi tố và bắt tạm giam bị can Lê Duy Phong là đúng quy định pháp luật và đúng thẩm quyền điều tra. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng đã cử cán bộ của Cơ quan điều tra Bộ Công an lên Yên Bái để chỉ đạo Công an tỉnh Yên Bái tiến hành điều tra khách quan, minh bạch vụ án này.
Trong khi đó, đại diện Tổng Cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an cho biết, Công ty Nam Triệu thuộc Bộ Công an và chịu sự quản lý của Tổng cục Hậu cần kỹ thuật. Công ty Nam Triệu là doanh nghiệp chuyên đóng tàu nhiều năm nay và đã ký hợp đồng đóng 20 tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của ngư dân về tàu bị hỏng, Tổng Cục Hậu cần kỹ thuật đã chỉ đạo Công ty Nam Triệu phải tiến hành xử lý khắc phục ngay cho ngư dân. Qua kiểm tra cho thấy, hư hỏng chủ yếu là máy tàu nên Công ty Nam Triệu đã tiến hành đàm phán với hãng Mitshibishi để tiến hành thay máy tàu mới cho ngư dân. Đến nay đã có 7 máy tàu mới về tới Việt Nam và trong tháng 7-8, Công ty Nam Triệu sẽ hoàn tất việc thay máy tàu bị hư hỏng.
Cũng tại buổi họp báo, Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng cho biết việc Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án bắt giữ người và hủy hoại tài sản ở Đồng Tâm là nhằm thu thập các tài liệu chứng cứ phục vụ việc điều tra. Đối với việc bắt một số người ở Đồng Tâm của Công an Hà Nội trước đó, ngày 27-4, Bộ Công an đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra việc này và khi nào có kết quả sẽ công bố rõ ràng.