Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng C06, phần mềm quản lý công dân vùng dịch, mọi thông tin được kiểm duyệt chính xác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cảnh sát khu vực/công an xã xác định được đúng công dân, phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch; thực hiện truy vết đầy đủ chính xác công dân, đặc biệt cả phương tiện; xác định nhanh chóng và thông báo thông tin cho F1, F2 khi phát hiện F0 giúp phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tội phạm; tiết kiệm chi phí trong phòng chống dịch. Hệ thống bảo đảm an ninh an toàn thông tin, dữ liệu công dân được bảo mật.
Theo số liệu của C06, đến nay, có gần 17.000 tài khoản sử dụng, có hơn 6.000 chốt kiểm soát, với hơn 5 triệu tờ khai qua chốt và hơn 26.000 shipper (hoạt động tại TPHCM).
Đại diện C06 cho hay, phần mềm không chỉ triển khai tại các chốt mà còn dễ dàng triển khai ở các điểm khi có yêu cầu: Siêu thị, cửa hàng thuốc, trung tâm thương mại... mà không cần phải lập chốt do công an kiểm soát.
Phần mềm này có thể sử dụng được trên nhiều nền tảng như điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng có kết nối internet trên địa chỉ web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn và đặc biệt là ứng dụng VN-eID sử dụng trên điện thoại di động (hiện nay ứng dụng đã được đăng tải trên 2 kho ứng dụng Appstore và CHPlay phục vụ đa số người dùng), kết hợp đọc mã QR bằng camera tại các chốt, giảm tải việc tiếp xúc và tăng hiệu quả kiểm soát.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục C06 sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án kiểm soát người nước ngoài vào Việt Nam để truy vết và quản lý cư trú với người nước ngoài...
Đối với phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ Covid-19, lãnh đạo C06 cho hay, được thiết kế trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng ngay trên toàn quốc, không phát sinh chi phí đào tạo, chuyển giao và người vận hành.
Thực hiện xác minh nhanh chóng thông tin công dân, đặc biệt là công dân tạm trú, lưu trú, lang thang cơ nhỡ thuộc diện hỗ trợ nếu kê khai đều được hỗ trợ tại nơi cư trú; giúp công khai, minh bạch, chi trả đúng đối tượng và do được xác minh trên hệ thống dân cư toàn quốc nên một công dân không thể nhận 2 lần; đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng. Hệ thống và dữ liệu công dân đảm bảo an ninh an toàn thông tin và bảo mật.
Hiện, Bộ Công an đã chủ động chỉ đạo lực lượng công an triển khai, kết quả đến nay, 63/63 tỉnh đã sử dụng phần mềm này; trên toàn quốc, lực lượng công an xã phường, thị trấn đã phối hợp với UBND cung cấp thực hiện cập nhật thông tin hơn 547.000 trường hợp thuộc diện chính sách Covid-19 tại nơi cư trú, đã phát tiền trợ cấp cho hơn 486.000 trường hợp nơi cư trú.
Đối với phần mềm quản lý công dân nghi mắc Covid-19, đại diện C06 cho biết, phần mềm này giúp dễ dàng thực hiện cập nhật tình trạng mắc Covid-19 (F0) và nguy cơ mắc Covid-19 (F1, F2). Có sẵn trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng ngay trên toàn quốc, không phát sinh chi phí đào tạo, chuyển giao và người vận hành.
Hiện nay, công an địa phương thực hiện cập nhật thông tin F0, F1, F2, F3 lên hệ thống là: 6.355 trường hợp F0; 5.063 trường hợp F1; 6.954 trường hợp F2; 1.114 trường hợp F3.
Cảnh sát khu vực, công an xã thường xuyên cập nhật theo dõi tình trạng của người nhiễm/nghi nhiễm, phục vụ kiểm soát việc giải quyết đi lại; thống kê nhanh, chính xác tổng số công dân thuộc diện F0, F1, F2 trên địa bàn quản lý; phục vụ kiểm soát tình trạng người dân khi tham gia giao thông và quản lý di biến động dân cư, đặc biệt đối với người có nguy cơ cao mắc Covid-19.
Kịp thời đánh dấu nhanh các trường hợp đã chết, thời gian chết để hỗ trợ công tác quản lý cư trú, hộ tịch sau khi tình hình dịch bệnh giảm, phục vụ quản lý nhà nước.
Từ đó, tham mưu được UBND việc hỗ trợ chính sách tử tuất trên địa bàn và công tác hỗ trợ chính sách an sinh xã hội.
Hiện nay, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện ứng dụng “VN-eID” phục vụ thuận lợi cho người dân sử dụng khi khai báo y tế và phục vụ kiểm soát di chuyển nội địa theo quy định phòng chống dịch.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng C06 cho biết, việc triển khai 3 phần mềm trên đã được cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ TT-TT thẩm định và phê duyệt thực hiện. Các phần mềm đều bảo đảm vấn đề bảo mật và chạy trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư để cho thông tin xác thực nhất. “Nếu các phần mềm khác không chạy trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ không có tính chính xác và không có dữ liệu gốc để đối sánh”, Thượng tá Tô Anh Dũng khẳng định.
Theo lãnh đạo C06, vừa qua phần mềm quản lý công dân vùng dịch đã được ứng dụng tại TPHCM và giúp thành phố xác định được những F0 tại nhà và tham gia giao thông. Đồng thời, giúp cho TPHCM tham gia các công tác an sinh xã hội (tạm trú, thường trú, lưu trú…). Hỗ trợ công tác an sinh được đúng người, đúng đối tượng, đảm bảo theo các quy định của pháp luật. “Quan trọng nhất, khi ứng dụng các phần mềm trên tại TPHCM là giảm được ùn tắc giao thông”, lãnh đạo C06 nói.
Đối với phần mềm khai báo di chuyển nội địa, lãnh đạo C06 khuyến nghị người dân cần khai báo trước khi qua chốt, tránh tình trạng đến chốt mới khai báo, gây ùn tắc giao thông.
Vừa qua, C06 phối hợp với Công an TPHCM triển khai camera quét mã QR, từ đó giảm được quá trình tiếp xúc gần. Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, tới đây, nếu đơn vị nào cần, C06 sẽ tích hợp tất cả giấy đi đường vào hệ thống điện tử. “Quan trọng là danh sách cho ra ngoài đường là bao nhiêu, C06 sẽ giải quyết được về kỹ thuật, sẽ không cần giấy nữa, chúng tôi sẽ đẩy tất cả vào mã QR để xác định được công dân đó có được ra đường hay không. Tại thời điểm đó, lực lượng kiểm soát sẽ nắm được thông tin người ra được thuộc diện được ra hay không”, Thượng tá Tô Anh Dũng chia sẻ và nói thêm, hiện nay việc dùng giấy đi đường mang tính chất thủ công và gây phiền nhiễu cho nhân dân, chưa kể quy trình cấp giấy. Thậm chí, theo lãnh đạo C06, giấy đi đường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm do ai cũng cầm nắm vào.
Đối với TP Hà Nội, Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết, vừa qua C06 đã thử nghiệm các giải pháp mã QR tại cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và tại TPHCM. Mới đây nhất, C06 cũng trình bày các giải pháp đối với Thành ủy Hà Nội và Công an TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc lựa chọn giải pháp như thế nào thuộc thẩm quyền Hà Nội. Nếu Hà Nội yêu cầu, C06 sẽ hỗ trợ tối đa về mặt kỹ thuật, nhân lực, giải pháp để quản lý người ra đường hiệu quả nhất trên cơ sở sử dụng nền dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, để khai báo y tế, công dân đang "chóng mặt" với nhiều phần mềm khác nhau của các bộ, ngành. Để thống nhất khai báo y tế, di chuyển nội địa, lãnh đạo C06 cho rằng, duy nhất ứng dụng khai báo của Bộ Công an đang chạy trên nền tảng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do đó có tính xác thực cao nhất. "Bộ Công an không khuyến cáo người dân nên dùng ứng dụng nào là phù hợp. Người dân vẫn khai báo trên các ứng dụng mà thấy thuận tiện, điều quan trọng là cho ra mã QR thống nhất, tránh "quyền anh, quyền tôi" trong quá trình thực hiện". |