Chiều 23-2, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công an tổ chức lễ công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của Trung tâm huấn luyện quốc gia phòng, chống khủng bố.
Trung tâm huấn luyện quốc gia phòng, chống khủng bố có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng về công tác phòng, chống khủng bố; sẵn sàng ứng phó, giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang, đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm; tham gia cứu nạn cứu hộ, các tình huống cấp bách và thực hiện các nhiệm vụ khác theo kế hoạch các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại lễ công bố quyết định, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) cho biết, việc thành lập trung tâm là chủ trương đã có từ lâu và hết sức quan trọng, có tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước và của Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, nhằm xây dựng lực lượng công an nhân dân nói chung, lực lượng cảnh sát cơ động nói riêng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tội phạm khủng bố trong vài thập niên gần đây đã trở thành vấn đề quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới và các khu vực.
Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra khủng bố do các tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành, nhưng những biểu hiện của hoạt động tội phạm có tổ chức gần đây cũng tiềm ẩn những mầm mống, nguy cơ khủng bố. Đặc biệt, lợi dụng chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, một số đối tượng trong nước đã liên lạc, móc nối với một số tổ chức phản động ở nước ngoài hoạt động khủng bố, như tổ chức khủng bố “Việt Tân”, tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”…
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với tội phạm khủng bố, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cần tăng cường huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng cơ động chiến đấu trong điều kiện môi trường, địa hình, phức tạp theo thực tế cho các lực lượng, nhất là đối với lực lượng chống khủng bố chuyên trách, như: cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, an ninh chống khủng bố… để có thể chủ động, triển khai nhằm khống chế, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn khủng bố trong mọi tình huống.