Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân do Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban chỉ đạo và 3 Thứ trưởng là Phó Trưởng ban, cùng các Cục nghiệp vụ liên quan tham gia.
Để hoàn thành 2 dự án với khối lượng công việc đồ sộ, Bộ Công an đã xác định 48 nhiệm vụ lớn, chia thành 8 nhóm để thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 55 nhiệm vụ lớn, chia thành 9 nhóm để thực hiện dự án căn cước công dân, với phương châm chỉ đạo xuyên suốt phải bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí; đồng thời, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, và cơ bản hoàn thành 2 dự án trước ngày 1-7-2021.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, quá trình xây dựng 2 dự án, Bộ Công an luôn ý thức được việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là vấn đề quan trọng để xây dựng Chính phủ điện tử. Do đó, các yêu cầu bảo đảm kết nối được quan tâm chỉ đạo trong từng bước của dự án, góp phần tạo sự chuyển động “đồng bộ” của các bộ, ngành liên quan.
Đến nay, đã thu thập được 99,05% phiếu thông tin dân cư trên toàn quốc, quá trình thực hiện đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các trường hợp nhân khẩu đặc biệt, dân di cư tự do, dân cư trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Bộ Công an cũng đã rà soát, cập nhật trên 47.600 trường hợp thôi quốc tịch; gần 5 triệu trường hợp thay đổi thông tin trong hộ tịch để phục vụ việc làm sạch dữ liệu; cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh, đến nay được hơn 5 triệu bản ghi.
Quá trình thiết kế kỹ thuật 2 dự án, Bộ Công an đã chỉ đạo lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu hiện nay. Tập đoàn VNPT với vai trò là đối tác chủ trì công nghệ cùng với các đối tác trong Liên danh là GTEL-ICT và Hadic đã xây dựng và triển khai một cách bài bản, thận trọng nhất với những công nghệ tốt nhất và đảm bảo hệ thống được tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ.
Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, VNPT đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất Tập đoàn và 63 tỉnh/thành phố cùng các đối tác trong Liên danh quyết liệt triển khai. Các thiết bị của dự án (như hệ thống máy chủ, máy trạm, thiết bị mạng, bảo mật...) đều được kiểm soát chính hãng ngay từ nguồn gốc, bảo đảm xuất xứ từ các nước Mỹ, G7, EU, ASEAN và được kiểm tra kỹ, bảo đảm an ninh an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế, xây dựng hệ thống Bản đồ số là “bộ não” của Trung tâm dữ liệu, trong đó xây dựng giải pháp phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình dân cư để góp phần hoạch định các chính sách kinh tế, quốc phòng an ninh theo từng giai đoạn.
Để bảo đảm tránh lãng phí, ngay từ đầu, Bộ Công an đã chỉ đạo lồng ghép thực hiện 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đến nay, Bộ Công an đã chính thức đồng loạt cấp thẻ căn cước mới cho công dân trên toàn quốc với nhiều ưu điểm nổi bật (thẻ có gắn chip điện tử với phương án bảo mật cao; bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế; thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, bền, đẹp...), mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhờ có sự lồng ghép 2 dự án, Bộ Công an đã chỉ đạo cải cách tối đa thủ tục cấp căn cước cho công dân, theo đó người dân không phải kê khai bất cứ loại giấy tờ gì khi làm thủ tục, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức rất lớn.
Nguồn nhân lực để triển khai 2 dự án trên được đánh giá là yếu tố quan trọng. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Bộ Công an đã bố trí đủ nguồn nhân lực thực hiện 2 dự án từ Trung ương tới cơ sở theo nguyên tắc gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng tại 4 cấp công an.
Đến nay, đã hoàn thành bố trí công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn với gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ (bảo đảm trung bình mỗi xã 5 đồng chí có thể đáp ứng yêu cầu thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư hàng ngày ngay từ địa bàn cơ sở). Phấn đấu hoàn thành 2 dự án trước ngày 1-7-2021, cùng với đó là 50 triệu thẻ căn cước công dân được cấp.