Sáng 7-11, Bộ Công an đã họp báo về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lộ trình bỏ hộ khẩu, tạm trú.
Tham dự buổi họp báo có Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cùng đại diện nhiều cơ quan báo chí.
Tại buổi họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ nêu rõ, hiện nay, công tác quản lý dân cư tại Việt Nam do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện với nhiều loại giấy tờ, mã số khác nhau như: BHYT, hộ khẩu, tạm trú.
Tuy nhiên, công tác quản lý dân cư chủ yếu thực hiện theo hình thức nên thông tin về dân cư mới chủ yếu phục vụ cho mục tiêu quản lý ngành, quản lý lĩnh vực nên chưa được kết nối, chia sẻ để dùng chung. Khi làm thủ tục hành chính, công dân phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khác nhau để chứng minh nhân thân gây phiền hà, lãng phí.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 8-6-2013, Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan tới quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Sau đó vào ngày 20-11-2014, Quốc hội đã ban hành Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ năm 2016, trong đó giao Bộ Công an khẩn trương triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trung tướng Trần Văn Vệ nêu rõ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò rất quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội: Tạo nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư thống nhất, tập trung phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; Căn cứ quan trọng để nghiên cứu đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian đi lại của dân; Thông tin dân cư được thu thập cập nhật thường xuyên góp phần tăng cường công tác quản lý dân cư, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự; Chia sẻ thông tin về dân cư giữa các bộ ngành, khắc phục chồng chéo lãng phí.
Trung trướng Trần Văn Vệ khẳng định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cách thay đổi quản lý dân cưu bằng công nghệ cao, trong đó tập hợp quản lý 15 thông tin cơ bản nhất của mỗi công dân, với việc mỗi một người sẽ được cấp một mã số định danh thay thế cho các giấy hành liên quan tới thân nhân.
Do đó, Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định, một số thông tin về việc bỏ hộ khẩu là chưa chính xác. Thực chất, sau khi chúng ta xây dựng và hoàn thành Cơ sở dữ liệu về dân cư thì chỉ là bỏ cuốn số hộ khẩu giấy hiện nay. Việc quản lý dân cư vẫn phải được thực hiện, bằng hình thức từ thủ công thay bằng công nghệ cao, hiện đại và hiệu quả hơn.
“Quản lý hộ khẩu là quản lý con người, không quốc gia nào trên thế giới bỏ việc quản lý này mà chỉ có các hình thức quản lý khác nhau. Không có quốc gia nào trên thế giới bỏ quản lý dân cư, kể cả các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ. Thông tin bỏ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là không chính xác..." - Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định.
Liên quan tới những thông tin về việc bỏ chứng minh nhân dân, Trung tướng Trần Văn Vệ cũng khăng định đó là thông tin chưa chính xác vì theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều phải có giấy tờ tùy thân trong người để chính minh thân nhân nên tới đây chứng minh nhân dân sẽ được thay bằng thẻ Căn cước công dân.
"Tới ngày 1-1-2020 sẽ cấp Căn cước công dân toàn quốc. Nhưng nếu người dân không sử dụng căn cước thì vẫn sử dụng được chứng minh nhân dân nên nói việc bỏ chứng minh nhân dân là không thể...", Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết.
Lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát cũng thẳng thắn cho biết, thực tế việc cấp chứng minh nhân dân có nhiều bất tiện như làm thủ công, phức tạp, dễ bị làm giả, trùng lắp… nên từ năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt đề án cấp Căn cước công dân và thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành. Từ năm 2020, toàn quốc sẽ triển khai cấp Căn cước công dân tại 47 tỉnh thành còn lại.
Tiếp đó tập huấn cho công an các cấp. Sau đó triển khai phát các bản kê khai về công dân xuống từng hộ dân để người dân kê khai. Sau đó thu thập lại và nhập dữ liệu vào hệ thống. “Đây là dữ liệu gốc, phải rất chuẩn xác, không được sai sót…”, Trung tướng Trần Văn Vệ nhấn mạnh.
Trung tướng Trần Văn Vệ cũng cho biết, việc Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân vì lâu nay Bộ Công an đã có cơ sở dữ liệu giấy và quản lý tới tận xã phường. Sau này, cơ sở dữ liệu này sẽ được dùng chung với đường kết nối giữa các bộ ngành.
Bộ Công an cũng đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, máy móc để thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư song khó nhất là việc thu thập dữ liệu công dân.
Về bỏ sổ hộ khẩu giấy, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện trong vòng từ 2-3 năm.
“Bộ Công an đang triển khai thực hiện và chắc chắn năm 2020 sẽ thực hiện xong về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ bỏ hộ khẩu giấy nhưng không phải là bỏ hộ khẩu mà là thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang công nghệ...”, Trung tướng Trần Văn Vệ nhấn mạnh.
Về lộ trình tinh gọn và xóa bỏ các thủ tục hành chính liên quan tới hộ khẩu và chứng minh nhân dân, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Nghị quyết về việc đơn giản thủ tục hành chính do Chính phủ ban hành có 8 lĩnh vực liên quan tới ngành Công an, trong đó có 2 lĩnh vực được dân quan tâm nhất là cấp, quản lý chứng minh nhân dân và nơi cư trú. Vì thế, Bộ Công an đã tham mưu đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Cư trú, 7 nghị định, 5 thông tư liên tịch, 18 thông tư Bộ Công an và một số quyết định khác.