Vài tháng trước, những tưởng cùng với làn sóng yêu sách đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động bùng phát sẽ kéo theo làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, dẫn đến hồi kết của mô hình “công xưởng lớn nhất thế giới” tại nước này.
Tuy nhiên, nhà phân tích Suvendrini Kakuchi ở Tokyo, trong bài viết có nhan đề “Lương cao không làm nản lòng ở Trung Quốc” (Higher pay no deterrent in China) đăng trên Asia Times số ra ngày 30-7 cho rằng, người Nhật đã nhận ra đằng sau sự chuyển đổi mô hình kinh tế từ xuất khẩu, gia công sang sản xuất hàng có giá trị gia tăng cao cùng chú trọng thị trường nội địa, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới đang được hình thành.
Tháng Giêng năm nay, tập đoàn tài chính Credit Suisse, Thụy Sĩ dự báo tiêu thụ toàn cầu của Trung Quốc sẽ tăng từ 5,2% lên đến hơn 23% vào năm 2020. Vào thời điểm đó, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia có tỷ lệ dự trữ cao nhất thế giới với mức tiết kiệm của người dân lên tới 30% thu nhập, song thị trường tiêu dùng trong nước đang có những thay đổi căn bản. Thu nhập của người dân gia tăng cùng với thế hệ trẻ giàu có hơn và có xu thế tiêu tiền nhiều hơn.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Tập đoàn Uniqlo của Nhật Bản chuyên bán hàng may mặc qua mạng đã thu được tới 4,1 triệu NDT chỉ sau 11 ngày vào thị trường Trung Quốc. Một cuộc khảo sát cuối năm 2009 do bộ phận tổ chức China Equity Research thực hiện cho biết thu nhập của các hộ gia đình trung lưu từ năm 2004 đến 2009 đã tăng 98%.
Theo Hiệp hội hàng cao cấp thế giới, nếu Trung Quốc giữ vững mức tăng trưởng hiện nay, họ sẽ vượt qua Nhật Bản, trở thành thị trường tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, với tổng số tiền xài hàng xa xỉ lên 14 tỷ USD/năm. Có rất nhiều công ty của nước ngoài đang đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường này thông qua các chi nhánh trong thời gian tới. Vì vậy, Hisaki Nakai, một chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Đối ngoại của Nhật Bản (JETRO) – một viện nghiên cứu kinh doanh của chính phủ nhận định rằng: “Các công ty Nhật Bản đã nhận thức được những khoản lợi nhuận béo bở hơn từ việc bán hàng ngay tại thị trường tiềm năng này. Do vậy, họ sẽ đáp ứng các yêu sách của lực lượng lao động, tiếp tục ở lại Trung Quốc sản xuất hàng hóa và bán ngay ra thị trường tiêu thụ khổng lồ này”.
Trong những ngày gần đây, lãnh đạo Trung Quốc “nói bóng nói gió” về việc đất nước này đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Trung Quốc hiện vượt qua Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản với tổng giá trị hàng hóa là 131 tỷ USD. Những thành tích này lý giải vì sao người Nhật tiếp tục theo đuổi chiến lược: “Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”
XUÂN HẠNH