
Chương trình xây nhà cho người tái định cư là một chủ trương lớn, giúp người dân “an cư”. Tuy nhiên, nhiều người dân được tái định cư lại bán nhà. Vì sao có hiện tượng này?
- “Sốt” bỏ chung cư
Khi đến các chung cư thuộc diện tái định cư chúng tôi đều bắt gặp không khí “sôi động” người dân sang, bán căn hộ. Một cáùn bộ tổ dân phố lô C2 chung cư Lý Thường Kiệt (phường 7 quận 11) cho biết, người dân bán nhà ra đi nhiều quá. 2 lô chung cư diện tái định cư, xây dựng cao tầng hiện đại với tổng số 256 căn hộ, thế nhưng, mới đưa vào sử dụng vài tháng đã có người lục đục rủ nhau sang nhượng.

Lô B chung cư Phạm Viết Chánh (Bình Thạnh) chỉ còn 4 hộ thuộc diện tái định cư bám trụ.
Theo điều tra mới đây của Ban quản lý khu chung cư, đến thời điểm này đã có 70% số hộ dân thuộc diện tái định cư bán, sang nhượng nhà chuyển đi nơi khác.
Tại lô A chung cư Phạm Viết Chánh (Bình Thạnh) có 70 căn hộ đều thuộc diện tái định cư. Năm đầu tiên có 15 gia đình sang nhượng và hiện nay chỉ còn 20 hộ thuộc diện tái định cư bám trụ ở lại. Những người sang nhượng nhà hầu hết chuyển về các quận vùng ven như quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp.
Như ở lô B, đến thời điểm này chỉ còn 4 hộ bám trụ. Tình trạng sang nhượng căn hộ ở các chung cư diễn ra khá rầm rộ. Ngay trong khu vực phường 19 Bình Thạnh có gần 10 điểm dịch vụ sang nhượng căn hộ. Tại các khu chung cư như 234 Phan Văn Trị, chung cư phường 17 (Bình Thạnh); chung cư phường 16, Huỳnh Văn Chính, Hoàng Hoa Thám (Tân Bình); chung cư Lý Thường Kiệt lô C, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thái Bình (quận 11)… tình trạng sang nhượng cũng diễn ra khá nhộn nhịp.
- “Tái định cư”... nhà cấp 4!
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Hoàng trong con hẻm sâu đường PhạmVăn Chiêu phường 12 quận Gò Vấp. Gia đình anh vừa rời chung cư Phạm Viết Chánh, lên đây ở hơn 1 năm. Trong căn nhà nhỏ, anh Hoàng tâm sự: “Khi vào ở chung cư mới thấy không dễ vì thu nhập của gia đình tôi không đủ tiền để trả các khoản chi phí từ tiền góp nhà, tiền gửi xe, điện nước… Thấy những gia đình xung quanh sang nhượng để đi nơi khác nên chúng tôi cũng bán nhà.
Giá sang một căn hộ chừng 300- 350 triệu đồng, dù giá không cao nhưng cũng đủ mua căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp”. Vợ anh cho biết thêm, không riêng gia đình anh mà những gia đình khác, chủ yếu buôn bán nhỏ đều đã “ra ngoài” với lý do tương tự. Anh Huỳnh Văn Tuấn nhà số 409 lô A chung cư Phạm Viết Chánh, lo âu: “Vào ở chung cư mới, gia đình tôi phấn khởi lắm…
Nhưng, giờ mới thấy trụ lại chung cư không dễ dàng”. Tìm hiểu được biết, thu nhập của 2 vợ chồng anh chừng 2,5 triệu đồng/tháng, chi tiêu cho 4 miệng ăn còn chưa đủ, giờ phải dành ra 1,5 triệu đồng để trả góp tiền nhà, chi phí điện, nước, gửi xe… nên cuộc sống khó khăn hơn. Những gia đình khi rời chung cư đều có nhận xét “ở chung cư tốt, nếp sinh hoạt văn minh nhưng ngặt chỉ buôn bán nhỏ, làm nghề tự do… thu nhập thấp, không ổn định nên...”.
UBND TPHCM đã quy định cấm bán, sang nhượng nhà tái định cư. Đây là biện pháp bắt buộc đối với chủ dự án cũng như người dân. Thế nhưng, việc sang bán trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp những quy định của chính quyền. Đã có quy định, vậy tại sao người dân vẫn vi phạm và trách nhiệm của cấp quản lý địa phương ở đâu?
Để người dân được an cư, nên chăng cần có sự đồng bộ giữa xây dựng nhà ở với các chương trình dân sinh như sắp xếp lại công việc, dạy nghề mới, tổ chức sản xuất… phù hợp với điều kiện sinh sống của người dân. Gánh nặng tài chính mà cụ thể là khoản trả góp tiền nhà, phí điện, nước… cũng cần được các cơ quan quản lý xem xét.
Dân bỏ chung cư là một thực trạng. Nhiều người lại bươn ra các vùng ven để tiếp tục tự… tái định cư, tự hình thành những khu nhà cấp 4 mới sẽ là một thách thức đối với những nỗ lực của chính quyền trong việc chỉnh trang đô thị. Nếu không có những giải pháp thích hợp thì hệ lụy sẽ là vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết…
TRẦN YÊN