Bộ Chính trị làm việc với Thường vụ Thành ủy TPHCM: Xây dựng thành phố của cả nước và vì cả nước

Chiều 19-10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Thường vụ Thành ủy TPHCM, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
Sau khi nghe báo cáo của Thường vụ Thành ủy TPHCM, ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tập thể Bộ Chính trị nhất trí đánh giá: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế diễn biến phức tạp, hậu quả khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế lớn, kinh tế thế giới phục hồi chậm, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Kinh tế thành phố tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 2011-2015, GDP bình quân đạt 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân cả nước, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (1,5 lần). Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,05%/năm, gấp 1,3 lần cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 5.122 USD/người, gấp 2,37 lần bình quân cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ước đạt 1,19 triệu tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010.

Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt được nhiều kết quả thiết thực. giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; văn hóa nghệ thuật có bước tiến tích cực. công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín, vai trò, vị thế của TPHCM cả ở trong nước và quốc tế.

Thành ủy TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục hiệu quả một số hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng; thường xuyên thực hiện công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở kiểm điểm 7 giải pháp tổ chức thực hiện, một số ý kiến cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 16/NQ-TQ còn chậm. Tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa… chưa đạt như mong muốn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM có truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển sau này.

Phân tích và chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn trong thời gian tới, Đảng bộ, nhân dân TPHCM tiếp tục bám sát những nội dung tư tưởng, thực hiện thật tốt Nghị quyết 16/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, cũng là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục nỗ lực vướn lên, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xây dựng TPHCM ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả nước.

Tổng Bí thư lưu ý, cần lựa chọn một số việc cần làm ngay, bằng chương trình hành động cụ thể, tập trung vào một số giải pháp, trên cơ sở đó xác định rõ lộ trình, bước đi từ nay đến năm 2020 và sau năm 2020, làm sao cho phù hợp, khả thi và có hiệu quả. Và đặc biệt, phải đặt trong tổng thể hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách. Mỗi nơi có đặc thù riêng, nhưng phải đặt trong tổng thể chung của một quốc gia thống nhất độc lập, tuân thủ luật pháp, hài hòa giữa cái chung và cái riêng.

Về những kiến nghị, đề xuất liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp quản lý, Tổng Bí thư chỉ rõ: Nghị quyết 16/NQ-TW quy định rất chặt chẽ, cụ thể, đề cập toàn diện nhiều mặt. Trong Nghị quyết không có chữ “đặc thù” nhưng tư tưởng đã là “đặc thù”. Đó là: Tiếp tục cho phép TPHCM được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp. Khi thực hiện thí điểm, thành phố phải có đề án xin Chính phủ cho thí điểm về từng vấn đề cụ thể và chịu sự theo dõi, giám sát của Chính phủ, đặc biệt với những vấn đề lớn và nhạy cảm. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể là tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa Trung ương và địa phương, trong khi chưa tăng tỷ lệ điều tiết, hàng năm xem xét tăng nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn… Tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho thành phố trong một số lĩnh vực như: Quản lý tài chính công, tăng hơn tính tự chủ cho thành phố về ngân sách, về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, tổ chức nhân sự… phù hợp với điều kiện của thành phố. Bởi vậy, Bộ Chính trị đã thống nhất, sau cuộc làm việc này sẽ ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16/NQ-TW ngày 10-8-2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết 16/NQ-TW trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, đồng thời cũng là trách nhiệm chung của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và các địa phương, để xây dựng TPHCM của cả nước và vì cả nước. 

Tổng Bí thư lưu ý, TPHCM cần chủ động phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành nhằm tăng thêm sức mạnh cho thành phố phát triển. Đồng thời, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương cũng cần quan tâm hỗ trợ để TPHCM vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, vì sự phát triển không chỉ của riêng thành phố mà của cả nước.

Tin cùng chuyên mục