Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII
SGGPO
Sáng 5-12, tại Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức khai mạc hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương dự hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng (Nhà Quốc hội - Hà Nội). Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến hơn 11.632 điểm cầu trên toàn quốc với gần 1,2 triệu cán bộ, đảng viên tham dự.
Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm nhằm sớm đưa nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Các đại biểu dự hội nghị tại Nhà Quốc hội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong buổi sáng ngày 5-12, các đại biểu nghe đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề 1 "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong thời gian 2 ngày, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên sẽ được nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về:
- “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” (do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương truyền đạt).
- “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” (do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương truyền đạt).
- “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương truyền đạt).
- “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (do đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt).
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề 1. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chiều 6-12, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng sẽ phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị.
Sau đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các cấp ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết cụ thể, chi tiết, có lộ trình để triển khai thực hiện gắn với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, thể hiện quyết tâm đổi mới, sáng tạo và bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị sáng 5-12. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trước đó, tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 3 đến ngày 9-10-2022, Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận và thống nhất thông qua Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, hội nghị thông qua nội dung cơ bản các kết luận về kinh tế - xã hội năm 2022-2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.