Bỏ bóng chuyền theo nghiệp boxing

Trò chuyện với Lê Thị Bằng sau SEA Games 28, tay đấm đã giành HCV tại Singapore rất e ngại “đừng đưa em lên báo làm gì!”. Không ai nghĩ cô là nhà vô địch SEA Games mà rất thật, chân chất nông dân và dễ gần…

Trò chuyện với Lê Thị Bằng sau SEA Games 28, tay đấm đã giành HCV tại Singapore rất e ngại “đừng đưa em lên báo làm gì!”. Không ai nghĩ cô là nhà vô địch SEA Games mà rất thật, chân chất nông dân và dễ gần…

Con gái Kim Động

Hỏi câu chuyện mới biết, Lê Thị Bằng là tay đấm cự phách như vậy nhưng chuyện xuống ruộng để cấy là làm băng băng. “Quê em là vùng Kim Động thuộc Hưng Yên. Từ nhỏ ở nhà với bố mẹ cũng phụ giúp làm nông trồng lúa nên làm quen lắm. Trước nhà có hơn mẫu ruộng, giờ khoảng 3-4 sào nhưng em với mẹ cấy chẳng khó khăn”, Bằng chia sẻ. Trông Lê Thị Bằng rắn rỏi trên võ đài là thế nhưng từ lúc 7, 8 tuổi thì cô bé gầy nhẵn ấy đã ra đồng cùng với bố mẹ.

Nhà có 4 anh chị em, Bằng là chị thứ hai trong nhà. Thế nên, dễ hiểu vì sao Bằng là một trong những nhân lực lao động chính cùng bố mẹ trong công việc đồng áng và tìm kế sinh nhai. Mỗi gia đình có những hoàn cảnh riêng nhưng Bằng luôn tâm niệm không bao giờ than khó bởi mọi sự thay đổi đều nằm ở đôi bàn tay của mình.

Quả thật, điều ấy khiến tay đấm này đến với thể thao khá ngẫu nhiên. Khoảng đầu năm 2007 (lúc ấy Bằng mới 15 tuổi), khi thấy các tuyển trạch viên của Trung tâm TDTT Hưng Yên đi tuyển quân cho môn thể thao, cô đã đăng ký ngay. Tréo ngoe ở chỗ, Bằng đi ứng thí môn bóng chuyền nhưng đã bị loại vì lúc đó chiều cao của cô học sinh cấp 2 mới 1m64. Không phù hợp bóng chuyền nhưng may mắn cho Bằng, các tuyển trạch viên của môn boxing và wushu Hưng Yên lại tuyển cô sau khi xem qua hồ sơ từ phía bóng chuyền đưa sang.

Ngã rẽ đến với thể thao của Bằng là vậy đó. Thế nhưng, điều thú vị nhất mà ít khi Bằng chia sẻ là con gái tập boxing với võ tán thủ của wushu (do 2 môn này ở Hưng Yên chung HLV) nhưng gia đình không biết. Tất cả vẫn tin rằng Bằng đã trúng tuyển bóng chuyền chứ không phải võ. Chuyện chỉ vỡ lẽ sau một lần tập luyện, Bằng dính đòn bầm mắt và khi trở về nhà bố mẹ gặng hỏi thì mới biết con làm tay đấm boxing. Vẫn biết chẳng bố mẹ nào muốn con gái theo việc đánh đấm nhưng chuyện đã rồi nên 2 cụ cũng đành gật đầu và dặn dò Bằng phải cẩn thận. “Tập boxing ban đầu cũng sợ lắm, sợ bị dính đòn đau. Nhưng tập qua 1 năm thì dạn đòn nên em không ngại nữa”, người con gái xứ Kim Động thẳng thắn chia sẻ.

Khoảnh khắc đáng nhớ của nữ võ sĩ Lê Thị Bằng tại SEA Games vừa qua. Ảnh: Dũng Phương

Cô trung úy mơ đến Olympic

Bằng bảo, thành tích HCV SEA Games vừa rồi là kết quả cô rất vui mừng. “VĐV người Philippines em gặp ở chung kết là đối thủ rất mạnh. Em biết về cô ấy nên trước khi thi đấu cũng chỉ dám chắc 50% chiến thắng. Nhưng vào đấu rồi lại thấy không sợ mà cứ cố gắng đánh trúng đối phương để giành điểm số cao nhất”, Lê Thị Bằng kể lại. Tới giờ, ở cái tuổi 23 còn rất trẻ, Lê Thị Bằng đã là tay đấm có thành tích quốc tế nhất nhì Việt Nam. Năm 2014, Bằng lần đầu đoạt HCĐ tại ASIAD 17-2015. Năm nay, Bằng lần đầu giành HCV SEA Games cho mình.

Sự thăng tiến chuyên môn của Bằng có bước ngoặt thật sự từ khi cô chuyển sang khoác áo đơn vị Quân đội năm 2012. Ngót nghét có 3 năm trong đội hình các tay đấm mặc áo lính, Bằng giờ đã đeo quân hàm trung úy. “Tập thể thao và có được chế độ tốt của đơn vị chủ quản, phần nào tôi cũng đỡ đần được gia đình. Có thể tôi chưa giành được nhiều phần thưởng nhưng tôi vẫn quyết tâm ở các giải quốc tế, đặc biệt là vòng loại Olympic 2016”, Bằng xác định. Sau SEA Games 28, cô và đồng đội lại lao vào tập luyện. Cột mốc quan trọng nhất vẫn là thi đấu giành suất dự Olympic 2016. Biết là khó nhưng Bằng tin nỗ lực của mình sẽ làm vững tin hơn về tâm lý.

Tạm biệt cô, tôi hỏi một câu rất thật “giờ đôi tay đã quen với boxing rồi, liệu về nhà Bằng có gượng gạo nếu phải xuống đồng phụ bố mẹ không?” thì Bằng cười, “hoàn toàn không, đó đã là công việc gia đình em làm từ nhỏ, có là VĐV boxing hay nghề gì đi nữa em không quên được công việc của con nhà nông”.

Tại SEA Games 28, lần đầu tiên boxing Việt Nam vượt chỉ tiêu tới 300%. Ban đầu, chúng ta chỉ đặt mục tiêu giành 1 HCV. Kết quả, toàn đội có 3 HCV của Nguyễn Thị Yến (51kg), Lê Thị Bằng (54kg) nữ và Trương Đình Hoàng (74kg) nam. Đấy là chưa kể năm nay boxing không có 2 nhà vô địch từng dự SEA Games 27 là Lừu Thị Duyên và Hà Thị Linh. Từ ngày 20-6, người hâm mộ sẽ được thỏa ước nhìn tận mắt những tay đấm vừa đoạt HCV ở SEA Games khi họ cùng góp mặt ở NTĐ Quân khu 7 tranh tài Cúp Let’s Việt 2015.

MINH CHIẾN

Tin cùng chuyên mục