Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế lâu nay là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng ATTP. Thế nhưng, trước một vụ việc vi phạm ATTP có tính chất cực kỳ nghiêm trọng, cơ quan này lại “né” trách nhiệm khi cho rằng sữa là mặt hàng được tự công bố chất lượng nên doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và đã phân cấp cho địa phương quản lý.
Lý giải trên có thể đúng về mặt quy trình hành chính. Tuy nhiên, với chức trách, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Cục ATTP vẫn phải thực thi công tác hậu kiểm, tức kiểm tra chất lượng thực phẩm sau khi doanh nghiệp tự công bố. Vậy mà, trong 4 năm, gần 600 nhãn hiệu sữa giả được quảng cáo công khai với những lời “có cánh” như: chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo…, thậm chí lọt vào tận các bệnh viện lớn, nhưng không một lần các sản phẩm này được lấy mẫu kiểm nghiệm, không một cuộc thanh tra nào được tiến hành. Không những thế, thực phẩm chức năng, sữa dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng nên lực lượng quản lý thị trường cũng không thể “đứng ngoài”, chờ vi phạm mới vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Vấn đề mà người dân thật sự cần lúc này không còn là lời xin lỗi, hay sự nghiêm túc nhận trách nhiệm của những đơn vị có chức trách, mà là những giải pháp căn cơ, đồng bộ để bịt kín những “lỗ hổng” trong quy trình kiểm soát chất lượng ATTP.