Không cần phải về đến miệt Bến Tre với câu ca ru lòng người: Mỗi lúc đi xa/ Dừa ơi ta nhớ lắm nghe/ Vườn trái trái xum xuê, trong đời sống của người dân phương Nam nói chung, đặc biệt ở xứ miệt vườn sông nước, cây dừa gắn liền với cuộc sống tự bao đời nay. Tuổi thơ của con trẻ gắn liền với những món đồ chơi làm từ lá dừa với muôn hình vạn trạng. Thử hỏi, có đứa trẻ nào sinh ra ở miền Tây lại không biết đến những con cào cào, chú chim, ngôi sao, con cá, chiếc quạt… được hô biến từ những chiếc lá dừa thông qua những đôi bàn tay khéo léo. Để rồi, bất chợt một ngày rong ruổi trên phố thị, bắt gặp hình ảnh này, những ký ức tuổi thơ lại ùa về. Lá dừa còn gắn liền với những liếp nhà, dẫu nay dần vắng bóng, thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố. Và, trong ngày trọng đại nhất của đời người - ngày cưới, chiếc cổng cưới được kết từ lá dừa vẫn mang dấu ấn riêng, đặc biệt.
Ngoài dừa tươi dùng để lấy nước uống, những món ăn chế biến từ dừa và nước dừa đã trở thành đặc sản. Nào là nước cốt dừa, dừa nạo dùng để ăn chè, làm bánh. Rồi lại có mứt dừa không thể thiếu trong các dịp lễ, tết. Kẹo dừa Bến Tre đã theo chân du khách đi khắp ba miền, đến nhiều quốc gia khác nhau. Thân dừa, phần non nhất trên ngọn tạo nên món gỏi củ hũ dừa nghe thôi cũng thấy xao xuyến. Rồi còn mứt dừa khô, tinh dầu dừa, kem dừa, sinh tố dừa… thôi thì đủ loại. Món nào cũng ngọt thanh, béo ngậy vị dừa.
Ở miền Tây, những trái dừa sau khi lấy nước, cơm dừa, sẽ được xếp ngay ngắn quanh nhà dùng làm củi. Sau này, phần xơ dừa được dùng bện thành dây thừng, thảm, ruột gối… Những chiếc gáo dừa cũng gợi nhớ bao kỷ niệm thân thương mỗi khi các mẹ, các chị nghiêng mình gội đầu. Một ngụm nước múc từ chiếc gáo dừa cũng thấm ngọt cả tuổi thơ. Những cây cầu dừa là cả tuổi thơ ngóng mẹ đi chợ về, nhảy cầu tắm sông hay len lỏi sang những vườn cây trái... Đó là cây cầu của ký ức và hoài niệm.
Bình dị là thế nhưng trái dừa cũng là đặc sản có thể sánh với bất kỳ loại trái nào nơi miệt vườn. Trái dừa tươi khi bán trên phố chỉ khoảng 10.000 đến 15.000 đồng/trái tùy loại, nhưng vào đến quán cà phê, nhà hàng sang trọng mức giá gấp vài lần. Thức uống ấy lại không kén khách, nay còn theo chân nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài dừa sáp có giá trị lên đến vài trăm ngàn đồng mỗi trái, nhiều món ăn hay các đồ dùng được chế biến từ cây dừa đều có giá trị rất cao. Hiện nay, có rất nhiều món đồ thủ công mỹ nghệ được các nghệ nhân chế tác từ trái dừa vô cùng độc đáo và lạ mắt. Những chiếc túi xách tay, bộ ấm chén, bình ấm trà giữ nhiệt, các loại chén, bát… làm từ cây dừa không chỉ được dùng trong nước, mà còn phục vụ xuất khẩu.
Ở vùng đất Nam bộ, ở đâu có con người gần như ở đó có sự hiện diện của cây dừa. Mỗi nếp nhà, từng ấp, từng xóm nằm bình yên dưới bóng dừa qua bao đời. Dáng cây vươn thẳng, đều tăm tắp cũng tựa như tính cách hào sảng, phóng khoáng của người dân nơi đây. Và, cứ như thế, cây dừa trở thành một phần không thể thiếu trong từng nếp nghĩ, mỗi nếp nhà, làng, xóm, ấp và trở thành một phần của quê hương, xứ sở.