Do vậy Công an TP Hà Nội đề nghị người dân bình tĩnh, kiểm chứng thông tin và trình báo công an để có hướng giải quyết.
Đại diện PC45 cũng chỉ rõ, hiện nay việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đối với tội phạm mua bán người ở các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người còn nhiều khó khăn do phần lớn đối tượng mua bán người là người tỉnh ngoài về địa bàn Hà Nội hoạt động lưu động, không đăng ký tạm trú hoặc không có nơi ở cố định, gây khó khăn cho việc quản lý.
Cùng với đó, đối tượng mua bán người thường xuyên sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là có sự câu kết chặt chẽ với các đối tượng nước ngoài hoặc đối tượng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài để phạm tội và tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan công an. Do vậy, đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khuyến mại khác nhau để làm quen và lừa gạt.
Bên cạnh đó, việc xác định và giải cứu nạn nhân bị mua bán cũng gặp khó khăn. Bởi lẽ hầu hết nạn nhân bị mua bán trong các vụ án đã khám phá là bị bán sang Trung Quốc để làm gái mại dâm và lấy chồng Trung Quốc bất hợp pháp. Khi sang địa phận Trung Quốc, nạn nhân bị quản lý, thu hết điện thoại, nạn nhân không biết tiếng Trung Quốc và địa hình đi lại nên không biết mình ở đâu, không có phương tiện thông tin để liên lạc với gia đình thông báo tình hình. Các đối tượng mua bán người chủ yếu lợi dụng sự kém hiểu biết của người bị hại ở những vùng nông thôn những người chưa có việc làm, hoàn cảnh khó khăn để làm quen rồi dụ dỗ hứa hẹn việc làm có thu nhập cao, hoặc rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán.