Khởi dịch từ Vũ Hán (Trung Quốc) cách nay vài tháng, dịch Covid-19 không chỉ là chuyện “nguy hiểm chết người hàng loạt” của một quốc gia, vùng lãnh thổ, mà của toàn thế giới. Ở nước ta, việc phát hiện, ngăn chặn, chữa trị Covid-19 đã được Đảng - Nhà nước xác định là trận chiến “chống dịch như chống giặc”. Không chỉ ngành y tế, quân đội..., mà cả hệ thống chính trị và toàn dân đã vào cuộc một cách quyết liệt. Và, như cách nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ta đã thắng trận đầu chống Covid-19. Song chúng ta không chủ quan mà phải hết sức cảnh giác, nêu cao trách nhiệm, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.
Thắng trận đầu, nhưng quả thực, phải nhận thức rõ, trận chiến này không giống các trận chiến khác, kể cả chiến tranh bom rơi đạn nổ, hủy diệt người và của cải. Theo các nhà chuyên môn, nếu không cảnh giác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, Covid-19 có thể thành đại dịch trong phạm vi một quốc gia, lây lan đến nhiều quốc gia, với sức công phá khó lường.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Liên hiệp quốc, các nước đã vào cuộc một cách quyết liệt. Ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm “tư lệnh” chỉ huy mặt trận này. Và, hàng ngày, qua báo chí truyền thông, Thủ tướng đã trực tiếp nắm bắt tình hình và chỉ đạo giải quyết những vấn đề phức tạp vừa nảy sinh.
Có nhiều hệ lụy, bài toán phải giải khi Covid-19 xuất hiện. Thực tế đã chứng minh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có sự đóng góp rất lớn của báo chí - truyền thông, chúng ta đã bước đầu ngăn chặn, phát hiện và chữa trị được 100% các bệnh nhân có kết quả âm tính Covid-19. Nước ta được các tổ chức quốc tế và bạn bè khu vực đánh giá là một trong các quốc gia tích cực và hiệu quả nhất. Tuy vậy, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, không được thỏa mãn, chủ quan mà phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Chính phủ và các cấp ủy, chính quyền cần bình tĩnh, quyết đoán, đưa ra những giải pháp phù hợp, vừa “đánh thắng trận tiếp theo”, vừa thực hiện mục tiêu an dân, tránh lãng phí sức người, sức của, phương hại đến nền kinh tế quốc dân.
Chỉ nêu hai việc cụ thể là cho nghỉ hay tiếp tục đi học của học sinh, sinh viên và việc mở cửa đón khách du lịch. Vấn đề đóng và mở cửa trường học trong thời gian qua, xét tổng thể, người ta dễ nhận thấy sự lúng túng trong cách điều hành. Rõ ràng, khác với chiến tranh, một trận B52 có thể hủy diệt cả một khu vực rộng lớn, như trận B52 do Mỹ đánh phố Khâm Thiên - Hà Nội cuối năm 1972, thì việc để một trường học với số lượng hàng ngàn học sinh, nhất là học sinh tiểu học nhiễm Covid-19 sẽ có nhiều, rất nhiều hệ lụy. Nếu như sự lây lan phi mã xảy ra, bệnh viện dã chiến nào chứa nổi. Một học sinh vào viện kéo theo cả gia đình lo lắng, thăm nom. Không biết lúc ấy sẽ như thế nào?
Về vấn đề du lịch, mọi người đều biết gần đây du lịch nước ta có bước phát triển nhảy vọt. Thành công ấy không chỉ góp phần to lớn quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam mà còn là một nguồn thu lớn cho nền kinh tế đất nước. Nhưng không vì thế mà tìm mọi biện pháp để thu hút khách du lịch thời Covid-19 này, đặc biệt khách từ vùng Covid-19 đang xảy ra. Chính phủ và các bộ ngành chức năng, các địa phương cần bình tĩnh, cân nhắc, thận trọng việc đưa ra quyết sách trong lĩnh vực nhạy cảm này. Không quá lạc quan và cũng không quá hoang mang dẫn đến quyết định không phù hợp, gây ra những hệ lụy khó lường.
Hơn bao giờ hết vai trò của báo chí - truyền thông là hết sức quan trọng. Các cơ quan báo chí và nhà báo, cùng những người đưa tin, tham gia mạng xã hội cần nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội để góp phần phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch nguy hiểm, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.