Xử lý hành vi gây bất lợi cộng đồng trong mùa dịch
Lo ngại những hệ lụy do dịch Covid-19, nhiều người đã đổ xô đến các siêu thị, chen lấn, tranh thủ vét hết lương thực, thực phẩm chế biến để dự trữ lâu ngày. Thực ra đó là căng thẳng không đáng có. Tình trạng chen nhau mua lương thực, thực phẩm tích trữ là do những thông tin gieo rắc tâm lý bất an gây hoang mang trên mạng xã hội.
Những thông tin xấu trên mạng đã gây tác hại không nhỏ đến đời sống xã hội, nhiều người bị dẫn dắt cảm xúc, hùa theo thông tin sai lệch, thậm chí tiếp tay phát tán tin giả, gây nhiễu dư luận. Có những người cố ý tung tin xuyên tạc về dịch bệnh để mưu đồ chính trị; lại có những người muốn chơi trội, câu view bằng cách tung lên mạng thông tin sai lệch. Lẽ ra cách ứng xử nên làm là nhắc nhở, động viên nhau phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh việc tuyên truyền hướng dẫn sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, các cơ quan chức năng cần chủ động xử lý và yêu cầu nhà mạng loại bỏ ngay những thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, bất lợi đến cộng đồng trong mùa dịch.
ĐỖ NGÔ TRẦN, quận 9, TPHCM
Biết thích nghi cái khó để ló cái khôn
Dịch Covid-19 là một thảm họa cho kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu chúng ta biết thích nghi cái khó để ló cái khôn thì cũng khắc phục được nhiều khó khăn, thiệt hại.
Dịch bệnh bùng phát, phải hạn chế tụ họp, đi lại, thì Internet chính là công cụ đắc lực để mua bán, thanh toán thẻ, giao dịch trực tuyến, hội họp qua mạng, giải quyết hồ sơ nhà đất, công vụ nhà nước… rất tiện lợi, nhanh chóng gọn nhẹ, ít tốn chi phí, mà còn giảm các vấn nạn kẹt xe, tiêu cực. Đẩy mạnh áp dụng dạy học trực tuyến, truyền hình, cùng với đó là khuyến khích các em tự học. Đã có nhiều người nhờ tự học mà có thể biết nhiều ngoại ngữ, đàn được cả chục loại nhạc cụ. Học từ sách vở, học từ thực tế, và nay có Internet tràn ngập kiến thức, thiếu vấn đề gì, không hiểu vấn đề gì thì tìm kiếm sẽ có ngay.
DƯƠNG VĂN MINH LỘC, quận 2, TPHCM
Chống từ nguồn lây lan
Thực tế cho thấy cho đến nay, hầu hết ca nhiễm Covid-19 có nguồn gốc từ đường hàng không. Ban đầu, sự quản lý các sân bay chưa được chặt chẽ và khoa học nên đã xảy ra những trường hợp khai báo không trung thực, không phát hiện người về từ vùng dịch. Quản lý chặt đường hàng không hơn nữa, không để lọt những ca nhiễm là cách chống dịch Covid-19 có hiệu quả cao.
Một việc cần làm nữa là chống sự thiếu hiểu biết về dịch Covid-19 để người dân đề kháng với tin giả, tỉnh táo nhận ra những trò lừa bịp ghép ảnh, tung tin giả. Có như vậy, người dân sẽ không bị hoảng loạn đổ xô mua lương thực, thực phẩm tích trữ; nếu không có việc cần thiết phải di chuyển, thì hạn chế ra đường, không đến chỗ đông người; có ý thức khai báo y tế điện tử.
TÚ NGUYÊN, huyện Cần Đước, tỉnh Long An
Ứng xử có văn hóa với khách nước ngoài
Chuyện một du khách nước ngoài tới Ninh Bình đã khốn khổ đi tới 6 khách sạn đều bị từ chối cho thuê phòng vì e ngại lây nhiễm dịch Covid-19, làm chúng ta phải suy nghĩ: Liệu khi qua dịch Covid-19 còn ai dám đến Việt Nam?
Chúng ta đang đồng lòng chung tay với thế giới trong cuộc chiến chống dịch, do vậy không lẽ nào lại có những hành động kỳ thị xấu xí. Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu xử lý thông tin báo chí nêu về việc ứng xử kỳ thị với khách du lịch nước ngoài; giữ gìn hình ảnh đất nước, con người, điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hiếu khách. Để thực thi chỉ đạo của Thủ tướng, những khách sạn đang phục vụ du khách nước ngoài nên liên hệ chặt chẽ với cơ quan kiểm soát bệnh tật để được hướng dẫn và hỗ trợ khi cần thiết; không được kỳ thị du khách nước ngoài, mà phục vụ họ một cách an toàn, có tổ chức.
BÙI THANH TƯƠNG QUAN, quận 7, TPHCM