Rộn rã tiếng cười
Hơn 10 ngày qua, ngày làm việc của cô Phạm Thị Bảo Ngọc, giáo viên lớp Sơn Ca (25-36 tháng tuổi), Trường Mầm non 4 (quận 3), bắt đầu sớm hơn bình thường. Thời điểm dịch chưa bùng phát, 6 giờ 45 phút cô có mặt ở trường để đón trẻ thì nay phải có mặt từ 6 giờ 20 phút. Mỗi lớp nhà trẻ có 3 giáo viên phụ trách, các cô chia nhau lau tay nắm cửa, vệ sinh đồ chơi, sát khuẩn mặt bàn ghế trước khi đón các bé. 7 giờ sáng, trẻ đến trường được sát khuẩn tay và đo thân nhiệt ở cổng. Vào lớp, trẻ được rửa tay thêm lần nữa trước khi ngồi vào bàn ăn sáng. “Trước đây, mỗi bàn ăn bố trí 6 bé thì nay chỉ ngồi 4 bé để đảm bảo giãn cách. Ngoài việc hỗ trợ đút ăn cho những bé chưa biết cách cầm muỗng, tôi phải liên tục quan sát biểu hiện của những trẻ còn lại để kịp thời phát hiện biểu hiện bất thường của con như ho, hắt hơi, chán ăn…”, cô Bảo Ngọc cho biết. Kết thúc giờ ăn, các con được vệ sinh miệng và tay lần nữa, sau đó ngồi thành từng nhóm nhỏ để chơi trò chơi.
Cô Bảo Ngọc chia sẻ, lớp có 14 phụ huynh đăng ký cho con trở lại trường. Trong tuần đầu tiên, trẻ đi học còn ít do phụ huynh mang tâm lý thăm dò, các con hầu hết là học sinh mới nên khóc nhiều. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày đón học sinh, số lượng trẻ đi học đã tăng lên, giáo viên thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của con lên nhóm trao đổi của lớp. Buổi chiều, khi tất cả các bé rời lớp, các cô nán lại thêm 30 phút để vệ sinh phòng ốc, đồ dùng, đồ chơi chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Công việc xoay vòng liên tục nhưng không khí luôn rộn rã tiếng cười.
Tại Trường Mầm non Sóc Nâu (quận Gò Vấp), chị Nguyễn Thị Thúy An, phụ huynh bé Lê Tuấn Anh, học sinh lớp Sóc Nâu 2 (25-36 tháng tuổi) cho biết, con bắt đầu đi học từ ngày 1-3. Sau 2 tuần đến lớp, bé trở nên dạn dĩ hơn, tối nào về nhà cũng nghêu ngao hát “Một con vịt xòe ra hai cái cánh…”. Chị An cho biết, trước đây khi trong lớp có bé nghỉ ốm, phụ huynh chỉ báo riêng cô giáo. Song hiện nay, trong bối cảnh bình thường mới, thông tin sức khỏe của tất cả thành viên trong lớp đều được phụ huynh công khai để dễ dàng ứng phó khi có tình huống nghi nhiễm.
Theo cô Lê Thụy Kim Tuyến, giáo viên lớp Sóc Nâu 2, ưu tiên hàng đầu hiện nay của giáo viên là theo dõi sức khỏe và đảm bảo an toàn cho các bé, rèn cho con thói quen rửa tay thường xuyên, báo cáo ngay với cô giáo khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Ý thức và trách nhiệm
Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Nguyễn Thụy Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non 4 (quận 3) cho biết, nhà trường quyết định lùi thời gian đón học sinh nhà trẻ từ ngày 1-3 đến 7-3 do cần thời gian chuẩn bị chu đáo hơn phương án đón trẻ. Với nhóm trẻ 25-36 tháng tuổi, trường bố trí lớp ở tầng trệt, phụ huynh vào tận lớp đón trẻ và trao đổi thông tin với cô giáo. Trong mỗi lớp học, giáo viên thường xuyên sử dụng dụng cụ đo thân nhiệt để kiểm tra tình hình sức khỏe của các bé do độ tuổi này trẻ chưa có khả năng diễn đạt đầy đủ tình trạng sức khỏe của mình. Trường không tổ chức bán trú trong 2 ngày đầu đón trẻ. Từ ngày 9-3, các bé ở lại trường ăn ngủ bán trú với thực đơn tăng cường thêm nhiều món nước (phở, hủ tiếu) và vitamin C (cam, chanh, cà chua)… Hàng tuần, vào chiều thứ 6, trường đều tổ chức phun thuốc khử khuẩn, tổng vệ sinh đồ dùng, đồ chơi toàn trường.
“Giáo viên đã ở nhà quá lâu do ảnh hưởng dịch bệnh, nay trở lại trường ai cũng phấn khởi. Mặc dù khối lượng công việc nhiều hơn trước đây, các cô vừa dạy học vừa đóng vai nhân viên y tế, tư vấn tâm lý, làm thêm giờ nhưng thu nhập không tăng, chủ yếu vì niềm vui và tinh thần trách nhiệm”, Hiệu trưởng Trường Mầm non 4 bày tỏ. Hiện nay, đây là đơn vị có đội ngũ cấp dưỡng nhiều nhất quận 3 với 8 người, làm việc theo ca để kịp thời hỗ trợ nhau khi có nhân viên là F0. Tỷ lệ học sinh nhà trẻ đến trường đạt hơn 70%.
Tương tự, tại Trường Mầm non Sóc Nâu (quận Gò Vấp), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phú Châu cho biết, bảo mẫu có thể bố trí linh hoạt coi lớp khi có giáo viên phát hiện là F0. Để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đơn vị đã chuyển đổi công năng của phòng ngoại ngữ - tin học làm phòng cách ly y tế, tất cả hoạt động dạy ngoại ngữ, tin học đều chuyển về thực hiện theo từng lớp. Vào thời điểm dịch bùng phát, trường chia nhỏ diện tích lớp, ngăn cách bằng tấm chắn nhựa nhằm hạn chế tiếp xúc. Khi số ca bệnh giảm, tấm chắn trong các lớp học được dỡ bỏ, tập trung vào việc khử khuẩn, lau chùi tay nắm cửa, hành lang để đảm bảo an toàn cho các bé. “Con đi học vui, ba mẹ yên tâm đi làm vì con được chăm sóc trong môi trường an toàn. Đó là hình ảnh đẹp khi trường học bước vào giai đoạn bình thường mới”, cô Phú Châu bày tỏ.