Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu tác động đến nhiều ngành nghề khác nhau, tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của con người đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội mang tính lâu dài. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ, trong gần 2 năm qua việc chống đại dịch trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó khăn tiếp tục bị đè nén… Do vậy việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập.
Tuy nhiên, Việt Nam đã xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Với việc Chính phủ đề ra 6 nguyên tắc phải quán triệt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống xã hội: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, giữa phổ biến và đặc thù, chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi, từng thời điểm.
Và trạng thái “bình thường mới” hay “zero covid” là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng thích ứng trên bình diện quốc gia và toàn cầu của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của đất nước, trong bối cảnh mới khi đại dịch covid -19 vẫn đang diễn biến trên toàn cầu. Do đó đòi hỏi mọi cá nhân, cộng đồng, tổ chức và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới với những điều chỉnh chính sách thích hợp và khôn khéo, để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đó là định hướng phát triển các ngành kinh tế, cách thức sản xuất, tiêu dùng, mô hình kinh doanh mới; xây dựng nền kinh tế có sức chống chịu; phải có tầm nhìn, chiến lược nhằm phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước có tính gắn kết, có sức cạnh tranh và thực sự là những trụ cột cho nền kinh tế trong tương lai.
“Kỳ vọng mới” cũng chính từ đây khi trong bối cảnh không còn thời gian cho bất cứ sự chậm chân nào. Đây cũng là thời điểm hội tụ nhiều nhân tố buộc chúng ta phải thay đổi. Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch, giữ được mức tăng trưởng tuy vẫn còn khiêm tốn nhưng đã là thành công. Vì thế, nếu không đổi mới để tăng tốc chúng ta sẽ lại lỡ nhịp, chậm chân và nguy cơ lại tụt hậu. Trước mắt cần làm ngay tạo nên làn sóng mới về cải cách và phát triển, thúc đẩy đổi mới. Đó là cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Có thể nói 2022 là năm mở cửa phải song hành cải cách. Mở cửa nhưng phải an toàn, thích ứng và phát triển bền vững, không còn phải phong tỏa trên diện rộng, không đứt gãy lớn về chuỗi cung ứng... Cải cách các quy định thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng, gồm pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, môi trường... Trong đó rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, không có mục tiêu quản lý. Bãi bỏ hồ sơ không cần thiết, trùng lặp, quy trình chồng chéo… Đây là lĩnh vực khó cải cách vì đụng vào lãnh địa dày đặc “xin - cho” của các bộ ngành có liên quan.
Tăng trưởng kinh tế năm 2022 theo mục tiêu kế hoạch khoảng 6-6,6%. Nhưng 2022 cũng là năm yêu cầu và áp lực chưa từng có đối với việc hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, nhưng cũng phải kiềm chế lạm phát từ nội tại cũng như “lạm phát nhập khẩu”. Do đó cần điều hành linh hoạt theo hướng cân bằng cho cả nhiệm kỳ hơn là hàng năm. Theo đó, bội chi ngân sách cả nhiệm kỳ có thể vẫn giữ như mục tiêu 4% GDP, nhưng có thể điều chỉnh năm 2022 tăng lên và các năm sau giảm dần. Tương tự, lạm phát cả nhiệm kỳ 4%, năm 2022 có thể chấp nhận mức cao hơn các năm còn lại… Như vậy sẽ tạo dư địa để có được một chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ít nhất 2 năm 2022-2023.
Ở góc nhìn toàn cầu, lạm phát trong 2022 ở những nền kinh tế mới nổi châu Á (trong đó có Việt Nam) tuy có thể cao hơn 2021, nhưng vẫn có thể ở mức chấp nhận được chứ không đến mức quá lo ngại. Bởi lẽ tình hình lạm phát khu vực các nền kinh tế phát triển được cho là đã tạo đỉnh và sẽ sớm bình ổn, giảm sức ép lan tỏa lạm phát từ các nước này ra toàn cầu; giá dầu thô của năm 2022 dự kiến sẽ ở mức bình quân 65-70 USD/thùng từ nửa cuối 2022 khi nguồn cung dự kiến sẽ bắt kịp và vượt nhu cầu; sự hồi phục dần hoạt động kinh tế sẽ giúp hồi phục chuỗi cung ứng. Điều này cho phép các ngân hàng trung ương có thêm điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với một chính sách tiền tệ “thích ứng”. Nếu môi trường vĩ mô được duy trì ở trạng thái “thích ứng” như vậy, tăng trưởng kinh tế và sự luân chuyển của dòng vốn sẽ được khơi thông.