Từ “Build Back Better”…
Dòng sự kiện thế giới năm 2021 ghi nhận nhiều vấn đề nổi bật, trong đó kể đến đại diện đầu tiên là “Build Back Better” (xây dựng lại tốt hơn). Đó là nói đến chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Biden, với mong muốn tái thiết một nước Mỹ đang chia rẽ và rệu rã vì đại dịch, điều chỉnh lại những sai lầm đang mắc phải bằng cách “xóa bài làm lại”.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, bắt đầu vào 2019 từ tâm dịch Trung Quốc - “công xưởng của thế giới”, câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng luôn là chủ đề “nóng hổi” trong các buổi hội thảo, các bài nghiên cứu, báo chí và các cuộc thảo luận chính thức của chính phủ các quốc gia. Và điều đặc biệt hơn sự đứt gãy này lại chính là xu thế toàn cầu hóa truyền thống xưa nay luôn được ca tụng, nhằm thúc đẩy các nước khác nhau cùng tham gia vào một chuỗi giá trị với hy vọng rằng ai cũng có thể hưởng lợi, thông qua việc chia sẻ các nguồn lực để đạt được mục tiêu chung. Tuy nhiên, thực chất của quá trình này lại chỉ làm lợi hơn cho các tập đoàn đa quốc gia, vốn là động lực liên kết sản xuất xuyên biên giới. Những hệ lụy về môi trường và xã hội ở các nước “vệ tinh” là những gì sót lại sau khi lợi nhuận được chuyển về công ty mẹ
Khi đại dịch ập đến, sự lây lan các ca nhiễm trên toàn cầu buộc các nước phải đóng cửa và trì hoãn các hoạt động kinh tế. Sự liên kết thành chuỗi theo kiểu đầu ra của nước này là đầu vào của nước khác bị gãy. Cú “cúp cầu dao” này dẫn đến sự đổ vỡ của cả hệ thống sản xuất vốn mất hàng chục năm để hình thành. Và điều đó buộc thế giới phải tìm cách thức khác để thay thế, nếu không muốn chứng kiến các đợt thiếu hụt hàng hóa triền miên trong tương lai.
Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng reshoring (tái nội địa hóa) và nearshoring (chuyển sản xuất về gần) được các tập đoàn đa quốc gia cân nhắc khi nhận thấy tính rủi ro và bất ổn của chuỗi cung ứng hiện nay. Bên cạnh đó là việc các công ty đang dần từ bỏ mô hình sản xuất tinh gọn (lean production) với mục tiêu tiết giảm chi phí, vì đã học được bài học lớn về quản trị rủi ro trong 2 năm qua. Một số khác còn đề xuất thành lập cả chức giám đốc y tế trong công ty.
Tiếp sau đó là năng lượng, tác nhân đơn lẻ, đóng vai trò ảnh hưởng nhất đến việc định hình các nền kinh tế. Có thể nói không ngoa rằng các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt, đã luôn là những biến số quan trọng quyết định con số tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng năng lượng và khí hậu lại đang đặt ra nhiều vấn đề khác. Kinh tế gia người Nhật Yoichi Kaya đã có một công thức tổng kết như sau: CO2 = dân số x GDP đầu người x (năng lượng/GDP) x (CO2/năng lượng). Đây là công thức thể hiện mối quan hệ giữa phát thải với dân số, GDP đầu người, năng lượng và lượng khí phát thải cho lượng năng lượng đó.
Điều này có nghĩa, nếu muốn phát triển bền vững bằng cách giảm phát thải, các nước sẽ phải giảm tối thiểu 1 trong 4 yếu tố trên. Nhiều ý kiến cho rằng đến lúc phải xem xét 2 yếu tố dân số và GDP. Song lịch sử cho thấy việc giảm dân số khó khả thi, nên áp lực sẽ dồn vào GDP. Nhưng việc này với các nước giàu vốn đã no đủ và dù gì cũng đang tăng trưởng chậm lại vì quy mô lớn sẽ dễ được chấp nhận hơn, so với các nước đang phát triển hoặc mới nổi (như Việt Nam), có nghĩa khó hơn không thể chọn cách chống biến đổi khí hậu hữu hiệu.
Tất cả những điều trên sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trên bàn cờ vĩ mô mà các chủ thể trong đó đều đang tranh thủ hành động để chiếm được thế thượng phong khi kỷ nguyên mới được thiết lập.
Đến yếu tố “Squid Game”
Một đại diện nổi bật khác trên dòng sự kiện năm 2021 là bộ phim “Squid Game” (trò chơi con mực) của Hàn Quốc, công chiếu đúng vào đợt dịch nóng bỏng. Vẫn là thể loại sinh tồn phản địa đàng (dystopia, xã hội giả tưởng tàn khốc), vẫn là kịch bản và vị đạo diễn đó, nhưng phải cần đến 10 năm để bộ phim này được chấp nhận ra mắt thế giới nhờ vào một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Giữa cơn hoảng loạn vì dịch bệnh người ta lại dễ chấp nhận một bộ phim thậm chí còn u ám tồi tệ hơn thực tại. Điều này cho thấy đại dịch và các hệ quả kéo theo đã làm cho bộ phim trở nên “có lý” hơn và viễn cảnh u tối được thêu dệt, trong đó khiến nhiều người xem phải thốt lên rằng, hóa ra thế giới mà họ đang sống bao quanh bởi hàng loạt các yếu tố “Squid Game”.
Thí dụ đầu tiên đến từ Mỹ. Đó là làn sóng nghỉ việc quy mô lớn với tên gọi “The Great Resignation”, gây ra tình trạng khủng hoảng lao động trên khắp xứ cờ hoa. Tuy có thể nói lý do là vì người lao động bị stress nặng, muốn nghỉ ngơi và cân bằng lại cuộc sống. Nhưng đúng hơn đây là cách mà tầng lớp trung lưu đang “mặc cả” để thương lượng lại các điều kiện làm việc, cũng như chế độ đãi ngộ và chăm sóc công sở.
Hay như một thí dụ khác là Ấn Độ, với tình trạng bất bình đẳng vaccine trong đợt dịch nửa đầu năm 2021. Một phần vì nguồn vaccine khan hiếm, nhưng quan trọng hơn là khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cũng phân tầng xã hội. Trong một đất nước mà gần 90% người dân không thể sử dụng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ này lại được dùng để “niêm yết” cho trang dịch vụ đăng ký tiêm chủng của chính phủ. Hay việc “bỏ mặc” để các tiểu bang và bệnh viện tư nhân giải quyết gánh nặng bất khả thi, khi đàm phán với các nhà sản xuất vaccine cho một nửa trong tổng số 2 tỷ liều đến cuối năm để tiêm cho những người dưới 45 tuổi. Sự tắc trách này đã đánh đổi bằng hơn 4.000 người tử vong mỗi ngày trong lúc cao điểm dịch.
Tất cả nói lên rằng, một khi người dân đã quá tuyệt vọng thì họ đành đánh cược làm điều gì đó để mà hy vọng. Và rộng hơn là tiến tới phủ nhận quan điểm của một số quốc gia đang neo giữ niềm tin vào một lý thuyết sai lầm - “trickle-down economics” (kinh tế học nhỏ giọt), cho rằng sự giàu có của tầng lớp trên cùng rồi cũng sẽ "thấm" xuống các tầng lớp dưới thấp hơn, như một cách biện hộ cho sự trì hoãn tắc trách đối với các chính sách xã hội phù hợp.
Việt Nam cần tận dụng cơ hội của sự thay đổi
Về kinh tế, Việt Nam là nước có độ mở thuộc hàng “top” đầu thế giới, ở mức 200% GDP. Do đó, mọi chuyển động của thế giới sẽ hội tụ rất mạnh mẽ ở Việt Nam. “Build Back Better” hay yếu tố “Squid Game”, cuối cùng chính là đại diện cho những động cơ thay đổi về chính sách kinh tế và chính sách xã hội trên toàn cầu. Và Việt Nam cần chủ động gắn kết được mình với sự đổi mới này để không bỏ lỡ chuyến tàu lịch sử.
Có thể thấy, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch trong năm 2021, kèm theo đó là những bất cập trong công tác điều hành chính sách, nhưng với uy tín vốn có, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin rất lớn vào các cam kết của Việt Nam trong giai đoạn tái mở cửa. Minh chứng bằng số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều tăng mạnh tính đến cuối tháng 12-2021 (đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%), đặc biệt dẫn đầu tại các tỉnh như Hải Phòng, Long An. Điều này cho thấy Việt Nam được các đối tác nước ngoài đánh giá là một “địa chỉ” tin cậy của quá trình phục hồi.
Nhưng quan trọng hơn là Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để tái cấu trúc nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hướng đến những mục tiêu bền vững hơn. Thí dụ như trong bối cảnh thị trường lao động đang thừa cung thiếu cầu, một số địa phương có thể dễ dãi chấp nhận những dự án thâm dụng lao động nhưng có giá trị kinh tế và tính đột phá thấp, chỉ để giải quyết vấn đề thất nghiệp trước mắt. Do đó, phải kiên quyết tập trung thu hút các dự án theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, chuyển giao công nghệ mới và mô hình quản lý hiện đại. Tuy nhiên, khi thu hút các dự án đầu tư cần quy định rõ những ngành, lĩnh vực nào cần ưu tiên trên nguyên tắc bảo vệ nội lực - những ngành và lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đã làm và làm tốt thì không nên kêu gọi để không gây sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa.
Bên cạnh đó là xu thế chuyển đổi số. Tài nguyên lớn nhất của thời đại sắp tới là dữ liệu. Nó quan trọng đến nỗi trong giới học thuật từ lâu hình thành một khái niệm mới: chủ nghĩa tư bản giám sát. Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy số hóa, chuyển đổi số, không chỉ vì tiến bộ của nền kinh tế còn vì hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia, hạn chế các tác nhân tiêu cực, trục lợi.
Là quốc gia bị tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, nhu cầu khai thác các nguồn năng lượng bền vững cho phát triển, Việt Nam sẽ có những động lực mãnh liệt để ban hành các chính sách phù hợp. Thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực tài chính xanh hay công nghệ lưu trữ năng lượng để sử dụng các loại năng lượng mang tính “mùa vụ” như năng lượng gió, hay mang tính thời điểm và địa điểm như năng lượng mặt trời một cách hiệu quả.
Cuối cùng đó là kiên quyết kiến tạo một hệ thống an sinh xã hội (ASXH) toàn diện, sâu sát, tiếp cận được với mọi tầng lớp. Có thể tham khảo các mô hình ASXH tiến bộ các nước, thí dụ như tạo điều kiện để các tổ chức cung cấp dịch vụ ASXH vi mô tham gia tích cực vào thị trường một cách lành mạnh, trong bối cảnh nhà nước chưa đủ sức bao phủ các lợi ích ASXH ở khu vực phi chính thức hay vùng sâu, vùng xa, nhằm giúp cho càng nhiều người được đảm bảo an sinh. Động lực có tốt cỗ xe kinh tế mới có thể chạy nhanh và bắt kịp các quốc gia khác.
Tóm lại, trạng thái “bình thường mới” tới đây giống như một giai đoạn quá độ. Dù với biến chủng nào đi nữa thì mọi đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, thế giới luôn phải bước vào một kỷ nguyên mới được tái tạo sau thảm họa. Và lợi thế so sánh để xem nước nào đón được “bình minh” trọn vẹn hơn sau “cơn mưa” Covid-19.
Trạng thái “bình thường mới” tới đây giống như một giai đoạn quá độ. Dù với biến chủng nào đi nữa thì mọi đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, thế giới luôn phải bước vào một kỷ nguyên mới được tái tạo sau thảm họa. |