Sáng 22-9, tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019. Tham dự hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác Trung ương và hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế và là “cầu nối” giữa các vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên - Nam Trung bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tỉnh Bình Thuận đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác tiềm năng thế mạnh. Đặc biệt nhất là sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế.
Theo đó, địa phương đã chấp thuận đầu tư 264 dự án, với tổng số vốn hơn 53 ngàn tỷ đồng, có 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 32,8 ngàn tỷ đồng. Đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (năm 2017 chiếm 74,78%; năm 2018 chiếm 78,13% và năm 2019 dự kiến chiếm khoảng 80%). Các dự án đầu tư được triển khai góp phần tích cực giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện an sinh xã hội cho nhân dân. GRDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.251 USD, tăng 13,75% so với năm 2017, tăng 30,39% so với năm 2015. Chỉ tiêu GRDP của năm 2018 tăng 8,08%, và 6 tháng đầu năm 2019 ước tăng 8,46%, đây mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2016 đến nay.
Tỉnh Bình Thuận đang hội tụ rất nhiều điều kiện để doanh nghiệp tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và thành công. Đặc biệt nhất là đột phá về hạ tầng giao thông khi các dự án trọng điểm như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang đang gấp rút triển khai, cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động, dự án sân bay Phan Thiết có nhiều tiến triển, các tuyến giao thông đối ngoại tạo hành lang Đông - Tây kết nối Bình Thuận với các khu vực kinh tế Đông Nam bộ - Tây Nguyên - Nam Trung bộ đang được xúc tiến đầu tư. Trong tương lai gần Bình Thuận sẽ có các cửa ngõ giao thương, kết nối không gian kinh tế liên vùng một cách thuận tiện, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống dịch vụ logistics, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững.
Thông qua hội nghị lần này, tỉnh Bình Thuận giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các quy hoạch, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư. Trong đó tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, lĩnh vực du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh sẽ thu hút đầu tư để hiện thực hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Bình Thuận có trình độ phát triển cao trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. “Trong xu thế phát triển xanh và bền vững, tỉnh Bình Thuận cần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế to lớn về biển, về nắng, gió để biến khó khăn, bất lợi trước đây thành lợi thế để phát triển", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Tại hội nghị, tỉnh Bình Thuận đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 23.152 tỷ đồng và ký Thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực.