Bình Thuận phủ xanh nhiều khu vực sa mạc hóa

Với địa hình và khí hậu khắc nghiệt, Bình Thuận đang được xem là địa phương có tốc độ sa mạc hóa cao nhất cả nước.

Hiện tượng sa mạc hóa và suy thoái đất đang tấn công ngày càng khốc liệt tại nhiều nơi trong tỉnh, gây ảnh hưởng đến đời sống, canh tác nông nghiệp của người dân. Để giảm thiểu tình trạng trên, địa phương đã và đang có nhiều cách làm hay, hiệu quả, từng bước phủ xanh những vùng đất hoang hóa.

Bình Thuận có bờ biển dài 192km, diện tích bãi cát ven biển chiếm khoảng 16% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Với điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, lượng mưa bình quân hàng năm thấp nên mỗi năm có khoảng 20ha đất canh tác nông nghiệp của tỉnh bị lấn bởi các đụn cát di động.

Tại khu Lê Hồng Phong (huyện Bắc Bình), nơi có những đồi cát trắng trải dài ngút ngàn, vào những tháng mùa gió, người dân liên tục phải hứng chịu nạn cát bay mù mịt làm vùi lấp cây trồng. Cát còn tràn lên các khu dân cư, trục đường giao thông gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày. Còn tại huyện Tuy Phong, nơi có diện tích đất hoang hóa lớn nhất tỉnh Bình Thuận, trước đây, hàng ngàn người dân luôn phải đối mặt trước hiện tượng cát nhảy, cát bay, đe dọa cuộc sống.

T5b.jpg
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận đã góp phần phát triển kinh tế và ứng phó với tình trạng sa mạc hóa

“Nhiều năm về trước, vùng đất này mênh mông cát trắng, người dân không trồng được cây gì. Cây rừng không còn, đất bị thoái hóa, nghèo dinh dưỡng nên đời sống bà con rất khó khăn”, ông Lê Thanh Tịnh (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong) chia sẻ.

Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận xác định, việc nghiên cứu lựa chọn loại cây trồng, phương thức và kỹ thuật trồng để phát triển thảm thực vật che phủ nhằm ngăn chặn quá trình sa mạc hóa, bảo vệ mùa màng là yêu cầu cấp thiết.

Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, trong nhiều năm qua, các cơ quan chuyên môn địa phương đã triển khai mô hình sử dụng chất polyme để trồng cây phi lao trên đồi cát di động. Chất polyme được chế tạo từ tinh bột sắn biến tính để bón thêm dưới hố trồng. Vật liệu này có khả năng trương nở gấp 400 lần nên giữ nước khá chặt, cây trồng vẫn có thể dễ dàng hút nước để sinh trưởng và phát triển trong thời tiết khô hạn.

Nhờ áp dụng kỹ thuật nêu trên đã tăng tỷ lệ sống của cây trồng đạt hơn 90%, so với 60% ở mô hình trồng rừng truyền thống. Đến nay, đa phần diện tích sa mạc, hoang mạc trên địa bàn huyện cơ bản đã được phủ xanh, diện tích rừng trồng chống sa mạc hóa ven biển đạt hơn 1.500ha. Tình trạng cát di động vùi lấp nhà cửa, đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông được cải thiện.

Bên cạnh công tác trồng rừng, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh, qua đó giảm thiểu tình trạng sa mạc hóa, phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, tại huyện Bắc Bình, nơi từng được xem là “vùng đất chết” bởi có tới trên 15.000ha đất cát bạc màu, nay đang dần hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao lớn.

Men theo tỉnh lộ 716 ven biển từ xã Hòa Thắng đến thị trấn Lương Sơn (huyện Bắc Bình), hình ảnh những vùng cát trắng nay đã được khoác lên “màu áo mới” với hàng loạt trang trại nhà kính trồng dưa lưới, trồng rau thủy canh.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bắc Bình, nhờ vào công nghệ cao sản xuất tiết kiệm nước, nhà kính…, nhiều người dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn sản xuất, biến vùng đất khô cằn ngày nào trở nên trù phú. Còn tại huyện Hàm Thuận Nam, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng dưa lưới, nho, táo…, cũng đang phát triển mạnh tại các dải đất hoang hóa ven biển.

Để công tác ứng phó tình trạng sa mạc hóa tiếp tục phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Lê Thanh Sơn cho biết tỉnh đã đề nghị Bộ NN-PTNT tạo điều kiện cho tỉnh Bình Thuận tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ nhằm tạo điều kiện để tiếp thu, nghiên cứu cái mới đưa vào trong công tác trồng rừng trên đất cát ven biển.

Đặc biệt, ưu tiên cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, giúp nhân mở rộng các mô hình trồng rừng và nông nghiệp công nghệ cao đã có kết quả nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển.

Tin cùng chuyên mục