Tồn 13 triệu tấn tro, xỉ
Những ngày đầu năm 2025, trở lại bãi chứa tro, xỉ than dùng chung của 3 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), chúng tôi ghi nhận hệ thống phun nước, quan trắc tự động đang hoạt động ngày đêm để ngăn chặn việc bụi phát tán ra bên ngoài. Bãi chứa này được đưa vào sử dụng từ năm 2015, đến nay đã cao 5 tầng.
“Gần 10 năm sống gần bãi chứa tro, xỉ than nhiệt điện, bà con nhiều lần phải chịu cảnh bụi phát tán, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vài năm gần đây, tuy bụi không còn bay ra môi trường, nhưng hiện bãi chứa đã quá cao, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra, nhất là vào mùa mưa bão”, ông T.V.Đ. (ngụ thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) lo lắng nói.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, bãi chứa tro, xỉ than nhiệt điện dùng chung cho 3 NMNĐ nói trên được quy hoạch trên diện tích hơn 38ha, khả năng lưu trữ khoảng 8,6 triệu tấn. Đến cuối năm 2024, bãi chứa này đã tiếp nhận khoảng 8,1 triệu tấn tro, xỉ than (chiếm hơn 94% dung tích thiết kế). Nếu không sớm có giải pháp để tiêu thụ loại vật liệu này thì chỉ khoảng vài tháng nữa, bãi chứa sẽ đầy.
Nằm kề bên bãi chứa tro, xỉ than của 3 NMNĐ Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng là bãi chứa tro, xỉ than của NMNĐ Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong). Bãi chứa này được quy hoạch trên diện tích rộng tới 59,5ha, sức chứa tối đa khoảng 7,5 triệu tấn tro, xỉ than.
Theo tìm hiểu, NMNĐ Vĩnh Tân 1 bắt đầu đổ và chôn lấp tro, xỉ than tại bãi chứa từ tháng 4-2018. Tính đến tháng 12-2024, nơi đây đã tiếp nhận khoảng 4,6 triệu tấn, đạt gần 62% tổng dung tích thiết kế.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận thông tin, đến nay, tổng lượng tro, xỉ than đang lưu trữ của 4 NMNĐ lên tới gần 13 triệu tấn. Trong đó, bãi chứa của NMNĐ Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng gần như đã đầy, còn bãi chứa của NMNĐ Vĩnh Tân 1 sẽ có khả năng đầy trong 2-3 năm tới. Điều này đang tạo ra thách thức rất lớn trong vấn đề về môi trường.
Chưa tìm được hướng ra
Theo ông Đỗ Huỳnh Phong, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, hiện nay cơ bản chỉ mới tiêu thụ được lượng tro, xỉ than phát sinh hàng ngày của các tổ máy NMNĐ Vĩnh Tân 2, còn việc tiêu thụ lượng tro, xỉ than tồn lưu tại bãi chứa trong nhiều năm qua vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đại diện các NMNĐ Vĩnh Tân 1, 4 và 4 mở rộng cũng cho biết, tro, xỉ than tồn lưu vẫn đang khó khăn tìm lối ra do nhu cầu tiêu thụ hạn chế.
Trong khi đó, nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ loại vật liệu sau sản xuất nhiệt điện than, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã cấp phép đầu tư cho một số dự án sử dụng tro, xỉ than để làm gạch không nung, làm đường giao thông…, nhưng đến nay các dự án này đều “bất động”.
Điển hình như vào năm 2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận để Công ty Mãi Xanh đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung từ tro, xỉ than, với công suất khoảng 3.500-4.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, 7 năm qua, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động và đang tạm dừng triển khai.
Đối với việc dùng tro, xỉ than để đắp nền đường giao thông, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay, chưa có địa phương nào trong tỉnh triển khai. Nguyên nhân là theo TCVN 12660:2019 thì tro, xỉ than nhiệt điện chỉ được đắp nền đường ở chiều sâu 80-100cm, còn những khu vực nước ngầm bên dưới thì không được sử dụng.
Trong khi đó, hệ thống đường giao thông nông thôn ở tỉnh Bình Thuận hầu như đã có nền đường. Do đó, việc sử dụng tro, xỉ than đắp nền đường giao thông là khó khả thi, chưa thể thực hiện được trong giai đoạn hiện nay.
Để có hướng giải quyết hàng triệu tấn tro, xỉ than đang tồn lưu, đại diện các NMNĐ ở tỉnh Bình Thuận cho rằng, hiện nay, tro, xỉ than đã được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp.
Do đó, địa phương kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh chỉ dẫn kỹ thuật nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng tro, xỉ than làm vật liệu san lấp.
Các Bộ GTVT, NN-PTNT cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ chủ đầu tư các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công ưu tiên sử dụng tro, xỉ than vào các dự án. Có như vậy, việc tiêu thụ tro, xỉ than đang tồn lưu mới có thể được giải quyết.