Giá thanh long tại "thủ phủ" thanh long Bình Thuận hiện chỉ còn từ 500 - 1.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn trắng tay trong vụ thanh long phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022.
Ngày 10-1, qua khảo sát, giá thanh long thu mua tại vườn ở tỉnh Bình Thuận chỉ còn từ 500 - 1.000 đồng/kg. Hiện thương lái chỉ thu mua loại thanh long đẹp nhất và trái phải còn tai màu xanh (chuẩn bị chín) để tìm cách xuất đi đường biển.
Chị Lê Thị Phượng (thương lái thu mua thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), cho biết: "Hiện thanh long chong đèn trái vụ của tỉnh đang chín rộ, sản lượng rất lớn, nhưng do không thể xuất khẩu bằng đường bộ qua Trung Quốc nên giá sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều thương lái hiện đã ngừng thu mua".
Thanh long ở Bình Thuận chỉ còn 500-1.000 đồng/kg
Sáng cùng ngày, ghi nhận tại các vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh Bình Thuận như huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc..., hàng loạt diện tích thanh long trái đã chín đỏ nhưng không có thương lái vào hỏi mua.
Ông Lê Phương (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) rầu rĩ cho biết: "Tôi không thể tưởng tượng được rằng có ngày giá thanh long dịp tết lại chỉ còn có vài trăm đồng/kg. Giần 500 trụ thanh long nhà tôi hiện trái đã chín được vài ngày, nhưng với giá này, nếu có bán được thì cũng chỉ để dọn vườn cho sạch. Vậy là xem như năm nay nhà tôi mất tết".
Nỗi lo thanh long mất giá đang đè nặng lên đôi vai người nông dân Bình Thuận Còn bà Lê Thị Ân (ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) sụt sùi cho biết: "Giá thanh long chong đèn trái vụ phục vụ thị trường tết phải đạt 10.000-15.000/kg thì nông dân mới có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận. Vậy mà, thanh long giá cao nhất mà thương lái hỏi mua chỉ còn 1.000 đồng/kg thì bà con chúng tôi xem như trắng tay".
Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, hiện trên 80% sản lượng thanh long của địa phương chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc, nhưng hiện việc xuất khẩu theo đường bộ qua thị trường này đã bị tạm ngưng, dẫn đến hàng bị tồn ứ. Doanh nghiệp địa phương hiện đang trông chờ vào việc xuất khẩu theo đường biển.
"Hiện thanh long xuất khẩu theo đường biển đang bị quá tải, dẫn đến không đủ container để vận chuyển hàng. Chi phí xuất khẩu bằng đường biển hiện quá cao, trung bình gần 200 triệu đồng/container (cao gấp 3-4 lần so với trước đây). Từ đó dẫn đến giá thanh long sụt giảm nghiêm trọng", ông Huỳnh Cảnh thông tin.
Nhiều vườn thanh long trái đã chín đỏ nhưng thương lái không thu mua, hoặc có mua nhưng với giá rẻ Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện địa phương đang phối hợp với các ngành liên quan, hỗ trợ xúc tiến thị trường tiêu thụ thanh long theo hướng vừa coi trọng đúng mức thị trường trong nước, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển các kênh phân phối với các địa phương trong cả nước, nhất là thị trường TPHCM và Hà Nội. Đồng thời, đa dạng và tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trên thế giới; đặt biệt là tăng cường xuất khẩu chính ngạch.
Cùng với đó, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thanh long và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm hàng hoá từ trái thanh long như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, sản xuất các loại nước ép thanh long, rượu vang thanh long, làm bánh, mứt, kẹo... để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Thống kê cho thấy, với diện tích trên 32.000ha, sản lượng hàng năm khoảng 700.000 tấn, Bình Thuận vẫn đang là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất việt Nam.
NGUYỄN TIẾN